Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bí quyết thành công của “cha đẻ” bảng gỗ Kabi

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bằng ý chí và quyết tâm sáng tạo, Lê Ngọc Anh (sinh năm 1988) – “cha đẻ” của bảng gỗ Kabi, hiện là Giám đốc Công ty CP Công nghệ và Thương mại Quốc tế Anh Tú đã gặt hái được những thành công ban đầu trên con đường khởi nghiệp.

Hiểu rõ nhu cầu của khách hàng
Vốn là một kỹ sư ngành bưu chính viễn thông, nhưng Ngọc Anh lại có niềm đam mê đặc biệt với kinh doanh. Vì thế, anh đã từ bỏ một công việc mà nhiều người mơ ước để bắt tay vào con đường khởi nghiệp nhiều chông gai. Ngọc Anh đã từng thử sức với khá nhiều công việc khác nhau, từ mở cửa hàng rau sạch, bán đầu thu, thẻ học thông minh đến môi giới bất động sản… Tuy nhiên, do không tìm hiểu kỹ thị trường và không có kinh nghiệm quản lý nên cái mà anh nhận được chỉ là thất bại. Tuy nhiên, sau những lần thất bại đó, Ngọc Anh đã rút ra được một bài học quý giá, đó là muốn khởi nghiệp thì có đam mê thôi chưa đủ, mà phải hiểu rõ nhu cầu của khách hàng.
Anh Lê Ngọc Anh giới thiệu về tấm bảng gỗ Kabi. Ảnh: Phương Nga
Suy nghĩ đó thôi thúc Ngọc Anh phải tìm ra một cách làm mới, một hướng đi riêng để khởi nghiệp. Trong một lần bán hàng lưu niệm trên phố cổ, tình cờ có khách hàng hỏi về tấm bảng bán hàng và yêu cầu ghi thông tin vào tấm bảng đó. Ngọc Anh lập tức lóe lên ý tưởng kinh doanh sản phẩm này. Với tấm bảng gỗ Kabi ngộ nghĩnh, người bán hàng online không cần dùng phần mềm để chèn số điện thoại, logo, tên shop lên ảnh sản phẩm, tiết kiệm rất nhiều thời gian và không sợ người khác lấy cắp ảnh. Không chỉ bán hàng trực tiếp, Ngọc Anh còn mở rộng kinh doanh qua kênh mua sắm online, trở thành người đầu tiên bán sản phẩm bảng gỗ trên gian hàng trực tuyến.

Thời gian đầu bắt tay vào kinh doanh sản phẩm này, anh gặp không ít khó khăn bởi ít người biết đến sản phẩm và công dụng của chúng. Vì tin rằng sản phẩm có thể tạo ra một thị trường mới, Ngọc Anh đã cố gắng cải tiến sản phẩm hàng ngày và giới thiệu sản phẩm trên các diễn đàn bán hàng. Dần dần, các sản phẩm của anh được chấp nhận và phát triển nhờ chính hình ảnh của chúng.

Ngọc Anh tâm sự: Sau một thời gian bán hàng, chúng tôi nhận ra rằng không chỉ cần nội dung tốt, mà còn cần phải tạo điểm nhấn trong thiết kế. Những yếu tố đó sẽ khiến sản phẩm gây ấn tượng từ mọi góc nhìn. Đây là cách mà sản phẩm có thể phát triển và tạo ra thị trường riêng.

Chiết khấu cao cho các đại lý

Sau gần một năm đưa sản phẩm ra thị trường, bảng gỗ Kabi đã được khách hàng cả nước ưa chuộng. Doanh số bán hàng của công ty liên tục tăng. Trung bình mỗi tháng, Công ty xuất ra thị trường khoảng 5.000 sản phẩm, đem về thu nhập cho Ngọc Anh khoảng 60 triệu đồng/tháng. Hiện, Công ty đang tạo công ăn việc làm cho gần 30 lao động và đang chuẩn bị mở thêm một chi nhánh ở TP Hồ Chí Minh.

Trên thị trường, đã có nhiều đối thủ sao chép sản phẩm của anh để kinh doanh. Tuy nhiên, Ngọc Anh không xem là trở ngại, ngược lại anh coi đây là một cách để nhiều người biết tới sản phẩm này hơn. “Tôi coi đây là niềm vui, bởi họ đã đánh giá cao sản phẩm do mình sáng tạo ra. Trong cuộc đua này, chiến thắng luôn dành cho người đi đầu và biết sáng tạo” – Ngọc Anh nói. Vì vậy anh tập trung nâng chất lượng sản phẩm, chạy đua về thời gian giao hàng, liên tục thay đổi kiểu dáng mẫu mã và cuối cùng, điều quyết định thành công nhất là ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

Nói về chiến lược quảng bá sản phẩm, Ngọc Anh cho hay: Công ty sẽ phát triển hệ thống phân phối sản phẩm rộng khắp để tận dụng kỹ năng cùng hệ thống khách hàng của những người bán hàng online. Với phương hướng đó, mọi khách hàng của Công ty đều có thể trở thành đối tác phân phối sản phẩm. Thay vì chi tiền cho hoạt động tiếp thị, Công ty chiết khấu cao cho các đại lý, cộng tác viên bán hàng để họ có động lực cùng xây dựng thương hiệu vững mạnh.