Bí thư, Chủ tịch phải ra tay, hệ thống chính trị vào cuộc, người dân phải cảnh giác

Công Thọ - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinnhtedothi - Các địa phương phải nêu cao tinh thần cảnh giác, “các đồng chí Bí thư, Chủ tịch phải ra tay, hệ thống chính trị phải vào cuộc và người dân phải cảnh giác thực hiện một số biện pháp đã được phổ biến”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Sáng nay, 29/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với một số địa phương về phòng, chống COVID-19.

Cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo của các thành phố Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Nam, Thừa-Thiên Huế tại các điểm cầu. Tại điểm cầu Hà Nội có sự tham sự của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội; Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý, Phó Ban Chỉ đạo.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp
Phát biểu tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý báo cáo về tình hình rà soát người đi từ Đà Nẵng về Hà Nội với khoảng 15.000 - 20.000 người. Trong số đó, có trường hợp mang dấu hiệu nghi nhiễm, hiện đang chờ xét nghiệm khẳng định của Viện Vệ sinh dịch tế Trung ương. 
Về công tác phòng chống dịch, Hà Nội tiếp tục rà soát toàn bộ số người từng đến Đà Nẵng, theo dõi y tế, sức khỏe. Với trường hợp đến các vùng có dịch như công bố của Bộ Y tế sẽ được lấy mẫu xét nghiệm, cách ly tại nhà. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch như những đợt cao điểm trước đây. 

Theo Thủ tướng, dịch lần này khác trước vì đã lây ra cộng đồng nhiều ngày, chưa tìm được ca F0, do đó, tình hình phức tạp, diễn biến nhanh trong thời gian ngắn, nhiều nguy cơ lây nhiễm ở các địa phương, các thành phố lớn, các tỉnh, thành phố xung quanh thành phố Đà Nẵng.

“Vì vậy, cần phải nâng cao tinh thần cảnh giác, nâng cao trách nhiệm trước nhân dân về vấn đề này”, Thủ tướng nêu rõ. “Khi tình hình xấu rồi thì sẽ trở tay không kịp”, do đó, không được chủ quan. Các địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền một cách đầy đủ về các biện pháp phòng chống dịch để đề cao cảnh giác.

Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo, Bộ Y tế, các địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện của Thường trực Ban Bí thư, lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Ban Chỉ đạo. Các địa phương phải nêu cao tinh thần cảnh giác, “các đồng chí Bí thư, Chủ tịch phải ra tay, hệ thống chính trị phải vào cuộc và người dân phải cảnh giác thực hiện một số biện pháp đã được phổ biến”, Thủ tướng nhấn mạnh.

 Các đại biểu tại điểm cầu Hà Nội

Ngành y tế, tài chính và các địa phương cần bảo đảm năng lực cho hệ thống y tế, “hỏi đâu có đó”, nhất là phương tiện, công cụ trong xét nghiệm cũng như cán bộ có liên quan. Phải đẩy mạnh truy vết và cách ly nhanh. Các đơn vị quân đội, đặt biệt là Quân khu 5 cần tổ chức công tác cách ly cho người dân tại Đà Nẵng một cách tốt nhất.

Cần nâng cao năng lực xét nghiệm, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng tăng cường thêm phương tiện, cán bộ có liên quan không chỉ cho Đà Nẵng mà các địa phương khác khi có yêu cầu.

Thủ tướng đồng ý phương án tăng cường các vị trí điều trị ở các bệnh viện Trung ương, bệnh viện quân đội, các cơ sở điều trị ở Huế, Quảng Nam để xử lý tình hình có các bệnh nhân mắc bệnh nền rất nặng.

Thủ tướng nêu rõ tùy hoàn cảnh cụ thể mà các địa phương áp dụng Chỉ thị 19 hoặc Chỉ thị 16 một cách kịp thời với các ổ dịch đã được phát hiện. Còn đối với Đà Nẵng, thực hiện triệt để Chỉ thị 16 trong phạm vi toàn Thành phố. Thủ tướng lưu ý, không được ngăn sông cấm chợ. Từng địa phương đều có kịch bản ứng phó như giai đoạn đầu chống dịch.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý tốt biên giới, khởi tố điều tra vi phạm trong quản lý biên giới. Đặc biệt, Bộ Quốc phòng tăng cường quản lý tốt các trung tâm cách ly mà mình đang quản lý. Những nơi tập trung đông người, đặc biệt phương tiện giao thông công cộng thì cần đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hay dung dịch diệt khuẩn… Những nơi có dịch bệnh không tổ chức các lễ hội lớn, kể cả vận động không tổ chức đám tang, đám cưới đông người...

Thủ tướng đề nghị các địa phương, Bộ GD&ĐT có phương án bảo đảm kỳ thi an toàn.

Các địa phương đều phải tổ chức tốt quản lý dân cư, bảo đảm an ninh trật tự, đặc biệt là bảo đảm bình ổn giá cả, bảo đảm hàng hóa thiết yếu cho nhân dân, không để tình trạng lộn xộn xảy ra trên địa bàn của mình.

Không chỉ Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế, Hà Nội, TPHCM mà các trung tâm, các thành phố lớn, nhất là các thành phố du lịch ven biển từ Quảng Ninh, Hải Phòng cho đến Bình Thuận… phải có biện pháp chủ động hơn nữa.

Thủ tướng đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia họp 2 ngày một lần để đưa ra các biện pháp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần