Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bí thư Hải Dương: “Đừng tư duy trên có Bộ nào thì ở dưới có Sở đó”

theo VOV.VN
Chia sẻ Zalo

“Cứ giao tỉnh số lượng, nếu Hải Dương cần thúc đẩy du lịch thì có thể lập Sở Du lịch. Còn nơi nào ít nông nghiệp thì cần gì phải có Sở NN-PTNT”.

Ngày 28/3, đoàn giám sát của Quốc hội do ông Nguyễn Khắc Định làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Hải Dương về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã có những chia sẻ rất thắng thắn xung quanh câu chuyện biên chế.
2 lãnh đạo “chung” một nhân viên?
Báo cáo của UBND tỉnh Hải Dương cho biết, trong giai đoạn 2011 – 2016, số cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh không thay đổi. Năm 2016, thực hiện chính sách tinh giản biên chế, Hải Dương thực hiện giảm mỗi năm 1,7%, giao cho các đơn vị là 2.184 chỉ tiêu; đến năm 2017 giao giảm còn 2.146 chỉ tiêu. Trong 2 năm 2016 và 2017, tổng biên chế giảm 73 chỉ tiêu.
 Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết - Phó Chủ nhiệm UBVH-GT-TN-TN-NĐ của Quốc hội đặt câu hỏi tại buổi giám sát ở Hải Dương
“So với bình quân chung của các tỉnh tương đồng về địa giới hành chính và dân số thì biên chế công chức của tỉnh Hải Dương là rất thấp, trong khi đó khối lượng công việc ngày càng nhiều, áp lực đảm bảo tiến độ và thời gian giải quyết công việc lớn. Các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện nhiệm vụ trong những năm tới và nếu tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế” – ông Lương Văn Cầu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương trình bày báo cáo cho biết.
Sau khi nghe báo cáo, dẫn số liệu về số lượng công chức giữ chức danh lãnh đạo quản lý từ cấp phó phòng trở lên, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết – Phó Chủ nhiệm UBVH-GT-TN-TN-NĐ của Quốc hội cho biết, nếu chia trung bình thì cứ hơn 2 lãnh đạo thì có một nhân viên (635 từ cấp phó phòng trở lên trong khi chỉ có 301 chuyên viên).
Cùng ý kiến, ông Ngô Trung Thành - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật đề nghị làm rõ, việc số lượng lãnh đạo nhiều hơn nhân viên có nguyên nhân từ văn bản Trung ương ban hành hay do khâu điều hành, chỉ đạo thực hiện của địa phưong chưa tốt.
Ngoài ra, vừa qua kết luận thanh tra, kiểm tra của Bộ Nội vụ chỉ rõ địa phương có hơn 200 hợp đồng làm công tác chuyên môn là không đúng. Ông Thành đề nghị tỉnh thực hiện kết luận này đến đâu và phải chăng do không kịp tổ chức thi tuyển nên thiếu người làm dẫn đến “đành làm chưa đúng”?
“Số lượng lãnh đạo và hợp đồng làm công tác chuyên môn nhiều nhưng trong đánh giá về công tác thanh tra thì nói thực hiện thường xuyên và cơ bản các cơ quan thực hiện tốt, không có khiếu nại, tố cáo về vấn đề này. Tôi đề nghị báo cáo nên đánh giá kỹ lại xem có hoàn toàn như vậy không. Thời gian qua địa phương có những vụ lùm xùm thì trách nhiệm cơ quan thanh kiểm tra như thế nào, đã làm hết trách nhiệm chưa?” – ông Thành đặt vấn đề.
Trước ý kiến cho rằng số lượng cấp phó nhiều, nhất là cấp phòng, giải trình tại buổi giám sát, Giám đốc Sở Nội vụ Hải Dương Nguyễn Văn Tỏ cho biết, hiện toàn tỉnh có 1,85 phó phòng/1 phòng. Còn cấp huyện theo Nghị định 37 có 3 phó/trên 1 phòng nhưng Hải Dương chỉ có 2,05 phó phòng/1 phòng. Sau khi rà soát, toàn tỉnh chỉ có 11 phòng vượt số lượng lãnh đạo cấp phòng.
UBND tỉnh đã ban hành quyết định chỉ đạo các Sở ngành thực hiện nghiêm về điều kiện tiêu chuẩn, trình tự, số lượng cán bộ cấp phòng để khắc phục triệt để.
 Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển
Báo cáo thêm với đoàn giám sát, Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, vụ việc vượt số lượng lãnh đạo cấp phòng ở Sở LĐ-TB-XH thì địa phương đã tiến hành kiểm điểm và khắc phục.
Về con số trung bình cứ 2 lãnh đạo chỉ có 1 công chức, theo ông Hiển, nếu cứ theo bảng biểu thống kê trong là đúng nhưng chưa đầy đủ vì thực ra báo cáo chưa tính cả người lao động.
“Đưa một người ra khỏi công chức rất khó”
Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển thẳng thắn nêu quan điểm, đã đến lúc có quy định rõ ràng và không nên cứng nhắc. Biên chế dứt khoát phải quản để tránh đời ông lãnh đạo này thích thì cho lên thì lãnh đạo sau có khi "chết", vì đưa một người ra khỏi công chức là rất khó, do đó phải quản tập trung.
“Về bộ máy, cứ giao tỉnh được phép thành lập bao nhiêu Sở, Sở đó làm gì hay ghép Sở nào với Sở nào. Đừng tư duy trên có Bộ nào thì ở dưới có Sở đó. Hải Dương nếu cần thúc đẩy du lịch có tiềm năng thì có thể lập Sở Du lịch. Còn nơi nào ít nông nghiệp thì cần gì phải có Sở NN-PTNT nữa”.
“Cứ mạnh dạn giao cho tỉnh bao nhiêu phòng. Như hiện tại rất bí vì muốn một phòng thì lại vướng nghị định. Điều cần “siết” là quy định mỗi phòng ít nhất 5 viên chức” – ông Hiển kiến nghị và cho biết vừa rồi Hải Dương quyết định mỗi phòng không quá 2 phó phòng, còn trường hợp đặc thù do Thường vụ Tỉnh uỷ quyết định.
 Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định 
“Đã đến lúc ta phải thực sự đổi mới, phân cấp mạnh mẽ. Cái gì cần quản thì quản cho chặt, còn cái gì để địa phương năng động, sáng tạo đáp ứng yêu cầu thì để địa phương phát huy” – Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương nêu ý kiến.
ết luận buổi giám sát, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đánh giá cao những ý kiến thẳng thắn của lãnh đạo tỉnh Hải Dương. 5 năm qua, bộ máy và biên chế của tỉnh cơ bản giữ ổn định trong khi yêu cầu nhiệm vụ tăng, kinh tế - xã hội tăng trưởng chứng tỏ sự đồng thuận cao ở địa phương.
Về số lượng lãnh đạo cấp phòng, ông Định nhấn mạnh, theo đề án của Bộ Nội vụ thì tới đây “không giảm cũng phải giảm” vì quy định bao nhiêu nhân viên thì có một phó phòng.
“Như có bao nhiêu lính mới hình thành một tiểu đoàn, bao nhiêu quân có 1 tướng, không thì toàn tướng à! Biên chế phải khống chế bằng khung, nơi nào tự chủ ngân sách, đô thị hoá nhiều, phát triển thì khung cao hơn và địa phương quyết trong khung đó. Còn nơi nào dựa vào ngân sách Trung ương thì khống chế rất chặt, khi nào phát triển lên thì nới khung” – Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật nêu quan điểm và đề nghị địa phương hoàn thiện báo cáo, nhất là nêu rõ các kiến nghị, đề xuất để đoàn giám sát tổng hợp, báo cáo Quốc hội.