Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bí thư Hoàng Trung Hải: Hà Nội muốn đẹp thì phải làm nhiều nữa

Hà Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 27/6, Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVI tổ chức Hội nghị lần thứ 5, thảo...

Kinhtedothi - Sáng 27/6, Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVI tổ chức Hội nghị lần thứ 5, thảo luận thông qua 2 Chương trình công tác lớn về đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển kinh tế và phát triển đồng bộ, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) giai đoạn 2016 - 2020. Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải và các đồng chí trong Thường trực Thành ủy chủ trì hội nghị.

Bày tỏ sự thống nhất cao với hai Chương trình công tác và Kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2016 - 2020, các đại biểu đều cho rằng, quan trọng là phải triển khai quyết liệt bằng nhiều giải pháp cụ thể để đạt hiệu quả cao.

Mấu chốt vẫn là cải cách hành chính

Với Chương trình 03 về “Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững giai đoạn 2016 - 2020”, lãnh đạo TP và các Sở, ngành, địa phương thống nhất định hướng đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững. 

Mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng GRDP bình quân đạt 8,5 - 9%, bình quân đầu người 140 - 145 triệu đồng, cơ cấu kinh tế năm 2020 dịch vụ chiếm 67 - 67,5%, công nghiệp xây dựng 30 - 30,5%, nông nghiệp 2,5 - 3%, huy động vốn đầu tư xã hội 2,5 - 2,6 triệu tỷ đồng, tỷ lệ lao động.
 Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phạm Hùng
Đáng chú ý, TP sẽ đề ra một loạt các yêu cầu giải pháp để nâng xếp hạng chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công và chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước. Cụ thể, các giải pháp hướng tới cải thiện toàn diện các yếu tố căn bản tác động đến môi trường kinh doanh, công khai, minh bạch toàn bộ các quy hoạch xây dựng, đất đai, quy hoạch ngành, rút ngắn thời gian khởi sự kinh doanh, nâng tỷ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng lên trên 50%, thời gian đăng ký kinh doanh tối đa là 2 ngày, thời gian tiếp cận điện năng còn dưới 26 ngày, cắt giảm 40% thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư…

Đây cũng chính là vấn đề các đại biểu quan tâm cho ý kiến, làm sao cải cách hành chính hơn nữa, để thu hút DN đầu tư. “Cán bộ công chức, kể cả lãnh đạo vẫn giữ nếp cũ thì cơ chế có đổi mới đến đâu cũng không được”, Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi nói.

Cũng liên quan đến nội dung này, Giám đốc Sở Tài Chính Hà Minh Hải đề nghị phải có chế tài đủ mạnh đối với những trường hợp gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân, DN. 

Bên cạnh đó, TP cần tiến hành đào tạo lại cán bộ để đáp ứng yêu cầu công việc mới, trên cơ sở đó có phương án bố trí, sắp xếp và đánh giá cán bộ chuẩn xác hơn. Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT EVN Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cho rằng phải đẩy nhanh chính quyền điện tử, xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung phục vụ cho công tác quản lý điều hành cũng như cải cách hành chính.

Tập trung đầu tư, đồng bộ quy hoạch

Chương trình 06 “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh và hiện đại giai đoạn 2016 - 2020” đề ra 9 chỉ tiêu chủ yếu để tiến tới có một hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu đô thị hóa và phát triển kinh tế xã hội: Tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng: 20 - 25% (trong đó đường sắt đô thị 1 - 3%); Diện tích đất dành cho giao thông tăng đạt 10 - 13% đất đô thị; Phấn đấu trồng một triệu cây xanh; Hạ ngầm, sắp xếp các đường dây đi nổi; Tỷ lệ hộ dân đô thị được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn đạt  95 - 100%; Tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh: 100%; Tỷ lệ rác thải được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường: Khu vực đô thị: 95 - 100%, khu vực nông thôn 90 - 95%; 100% chất thải nguy hại, chất thải y tế được xử lý… 

Dự thảo Chương trình cũng đưa ra nhiệm vụ tăng cường giao thông công cộng, từng bước hạn chế phương tiện cá nhân, định hướng đến 2025 dừng hoạt động các phương tiện xe máy cá nhân. Đề cập đến nội dung này, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường đề nghị phải nhanh chóng có đề án phát triển xe buýt, trong đó phải tăng số lượng đầu xe buýt thay vì vẫn chỉ có 1.000 chiếc trong nhiều năm qua.

Về đầu tư hạ tầng, một số đại biểu đề nghị cần phân tích rõ hơn những hạn chế hiện nay để từ đó đưa hướng giải quyết tốt hơn. “80% quy hoạch của quận Hoàng Mai được điều chỉnh so với ban đầu. Lúc đầu vẽ lên rất đẹp, nhưng rồi lại điều chỉnh, gây ra mâu thuẫn với hạ tầng xã hội trên địa bàn”, Bí thư quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Đức Vinh nói và đề nghị phải bám sát các quy hoạch để thực hiện.

Cũng với quan điểm này, Bí thư huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Huy Việt cho rằng việc đầu tư hạ tầng làm sao phải đồng bộ. Bởi nhiều tuyến đường vừa làm xong rất đẹp, nhưng chỉ được ít ngày đã bị đào xới lên để làm đường nước, đường điện, khiến công trình xuống cấp rất nhanh.

“Nguồn lực từ chính chúng ta”

Phát biểu kết luận, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: "Hà Nội 6 tháng qua có sáng hơn, xanh hơn, sạch hơn. Nhưng "đẹp" thì còn phải làm nhiều nữa. Trong đó, quan trọng nhất phải tạo thành nếp văn hóa, đây không phải là việc dễ khi mà ý thức 1 bộ phận dân cư, và cả lãnh đạo chưa thông suốt. Những vấn đề bức xúc của bộ mặt Thủ đô, lãnh đạo từng phường, xã, phải kiểm tra, giám sát hàng ngày, phải xây dựng, kiểm tra và cả xử lý nghiêm để tạo được nếp sống văn minh của người Hà Nội. Phải rõ người, rõ việc, sự đồng thuận vì cả TP chỉ cần 1 góc phố vất rác bừa bãi là cả hệ thống phải chịu đánh giá".

Về hai Chương trình công tác của Thành ủy, Bí thư Thành ủy yêu cầu các cấp, ngành phải xác định đúng, trúng các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và phải đưa ra các giải pháp có tính khả thi nhằm khơi thông và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phục vụ cho sự nghiệp phát triển.

"Chúng ta đưa ra rất nhiều mục tiêu cao và đưa ra thì dễ, nhưng làm thế nào là quan trọng nếu không quyết liệt và quyết tâm. Xây dựng cơ bản năm nay thu hút đầu tư rất lớn, hàng loạt dự án sắp tới sẽ vào còn sôi động lớn. Có thể thấy, thủ tục đã được tháo gỡ nhưng vẫn còn "dư địa" để làm tốt hơn nữa. 120.000 DN còn hoạt động của TP là con số thấp và còn có thể cao hơn. Có ý kiến cho rằng mục tiêu lớn nhưng băn khoăn về nguồn lực. Nguồn lực là ở chính chúng ta, ở các vấn đề quản lý, ở các thủ tục mà chúng ta có thể khơi thông cho DN, cho người dân", Bí thư gợi mở về các giải pháp thực hiện Chương trình.