Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc chủ trì hội nghị. Đa nhưng chưa… tinh Theo báo cáo của Sở Công thương, TP Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 292 làng nghề được công nhận với 47/52 nghề thủ công mỹ nghệ trên toàn quốc. Tại các làng nghề hiện có 2.063 công ty cổ phần, 4.562 công ty trách nhiệm hữu hạn, 1.466 doanh nghiệp tư nhân, 164 hợp tác xã, 175.889 hộ sản xuất kinh doanh, thu hút 739.630 người lao động.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi gặp mặt. |
Ngoài ra, các làng nghề còn thu hút hàng nghìn lao động nơi khác đến làm việc. Cơ cấu lao động trong công nghiệp tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ tại các làng nghề hiện đã chiếm từ 75 – 85% tổng số lao động, lao động thuần nông chỉ còn từ 15 – 25%. Các làng nghề đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động dôi dư trong quá trình đô thị hóa, từ đó phân công lại lực lượng lao động ở nông thôn. Nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, mặt bằng sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật, bảo vệ môi trường làng nghề đã được thành phố quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân.
Năm 2015, giá trị sản xuất của làng nghề đạt gần 14.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động làng nghề đạt khoảng 35 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, thu nhập bình quân của người lao động ở các làng nghề không đồng đều. Một số làng nghề có thu nhập cao trên 70 triệu đồng/năm như: gốm sứ, dệt lụa…; các nghề có thu nhập thấp khoảng 20 triệu đồng/năm như mây tre đan, nón mũ lá… Đến hết năm 2015, số nộp ngân sách từ khu vực làng nghề là trên 320 tỷ đồng.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng chúc mừng các nghệ nhân làng nghề Hà Nội |
Tại buổi gặp mặt, các đại biểu nghệ nhân, thợ giỏi thủ công mỹ nghệ đã thẳng thắn chỉ rõ những khó khăn bất cập và đề xuất thành phố quan tâm hơn về cơ chế chính sách, cơ cấu tổ chức Hiệp hội, đầu tư hạ tầng các làng nghề, hoạt động xúc tiến quảng bá thương hiệu sản phẩm, quy định công nhận làng nghề, phong tặng nghệ nhân.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi gặp mặt. |
Tiếp thu các ý kiến tâm huyết của các nghệ nhân, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trao đổi, làm rõ từng đề xuất kiến nghị và khẳng định TP sẵn sàng kết nối với ngân hàng hỗ trợ các DN làng nghề được vay vốn ưu đãi, mở rộng mặt bằng sản xuất các làng nghề, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo điều kiện cho nghệ nhân tham gia các hội chợ quốc tế xúc tiến tiêu thụ sản phẩm. Đồng tình với những trăn trở của các nghệ nhân trong bảo tồn, phát huy các giá trị tinh hoa văn hóa làng nghề, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế yếu kém của các sản phẩm làng nghề Việt Nam và cho biết TP đang triển khai một số đề án, chương trình hỗ trợ kết hợp công nghệ, thúc đẩy sự phát triển của các làng nghề theo hướng sản xuất các sản phẩm thị trường cần, đáp ứng tốt hơn thị hiếu người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Lãnh đạo TP Hà Nội cùng các nghệ nhân làng nghề Hà Nội. |
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung lưu ý các làng nghề cần chủ động xây dựng chiến lược kết nối các vùng nguyên liệu, chú trọng việc đăng ký bảo hộ sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sáng tạo hơn ngay từ ý tưởng thiết kế đến bao bì đóng gói. Năng động hơn, sáng tạo hơn Bày tỏ sự trân trọng tình yêu nghề sâu sắc của nhiều nghệ nhân, thợ giỏi, sự nỗ lực vươn lên của nhiều thợ trẻ trong làng thủ công mỹ nghệ Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho rằng sự phát triển nghề và làng nghề đang đứng trước sức ép cạnh tranh lớn khi mở rộng hội nhập, đòi hỏi các nghệ nhân phải đồng lòng kết nối và sáng tạo hơn.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải tặng quà cho các nghệ nhân. |
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, các làng nghề phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô. Một số nhóm nghề thủ công mỹ nghệ phát triển manh mún, năng lực, sức cạnh tranh chưa cao. Nhiều nghề, làng nghề đang dần bị mai một, do các nghệ nhân có xu hướng bỏ nghề, lao động trẻ chưa thiết tha gắn bó với nghề; ô nhiễm môi trường làng nghề đang là vấn đề bức xúc; ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật còn chậm…
Ông Vũ Minh Hải - Chủ tịch Hội Nghệ nhân thợ giỏi TP Hà Nội phát biểu ý kiến. |
Để tạo điều kiện hỗ trợ, giúp các nghề, làng nghề Thủ công truyền thống phát triển, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội cần chú trọng tới việc phát triển nghề và làng nghề gắn kết với phát triển du lịch, nhất là trong việc tạo ra các sản phẩm phục vụ ngành du lịch, các tour, tuyến du lịch làng nghề.
Nghệ nhân Nhân dân Lê Thanh phát biểu ý kiến
Tổ chức tốt các cuộc đối thoại, trao đổi, gặp gỡ giữa các cấp, các ngành với các làng nghề để kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, động viên, cổ vũ, khích lệ tinh thần hăng say lao động, sáng tạo của đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi và người lao động trong các làng nghề. Quan tâm chăm lo, tạo điều thuận lợi để các nghệ nhân, thợ giỏi có cơ hội thể hiện tài năng, sức sáng tạo. Đồng thời, chủ động rà soát, nghiên cứu tham mưu bổ sung, thay thế, sửa đổi các cơ chế, chính sách liên quan đến nghệ nhân, phù hợp hơn với thực tiễn cuộc sống.