Không dừng ở nói chung chung Tại buổi làm việc mới đây, lãnh đạo Ban Tổ chức T.Ư đánh giá rất cao mô hình đánh giá cán bộ của quận Long Biên. Ông có thể cho biết đâu là lý do khiến quận chọn đây là khâu đột phá?- Xuất phát từ thực tế thấy rằng, kiểm điểm hàng năm đã dẫn đến một số tồn tại, mà nếu chúng ta nhắc nhở, xử lý ngay cán bộ sẽ hạn chế nhiều được tình trạng này. Do đó, từ năm 2013, quận chuyển sang đánh giá 6 tháng 1 lần, cùng với đó là xây dựng kế hoạch khắc phục của từng tập thể, cá nhân. Năm 2014, công tác này được đẩy lên đánh giá hàng quý; đến năm 2015 đánh giá hàng tháng, triển khai trước ở khối UBND và từ năm 2016 làm trong cả hệ thống chính trị. Công tác đánh giá cán bộ được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch, trong đó lượng hóa bằng các biểu điểm cụ thể trên các mặt, từ nhiệm vụ chuyên môn đến đạo đức, lối sống, tinh thần thái độ làm việc. Sự bài bản, chặt chẽ này đã giúp tạo chuyển biến quan trọng cho đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động để từ đó nâng cao chất lượng công việc.Khi triển khai, việc này có gặp trở ngại nào không, thưa ông?- Chúng tôi làm có lộ trình, đa số đều vui vẻ, thoải mái. Tất nhiên, không tránh khỏi có số ít đã quen trì trệ lúc đầu có “bàn ra tán vào”, không ủng hộ. Nhưng khi trở thành quy chế của cơ quan, tất cả đều phải chấp hành và có nỗ lực, cố gắng hơn nhiều. Cũng có cán bộ, thậm chí cán bộ lãnh đạo thấy không đáp ứng yêu cầu đã tự xin thôi, từ trưởng xuống làm phó, phó xuống làm chuyên viên.Việc đánh giá đúng cán bộ là cơ sở để thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ (về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng công tác); thực hiện điều động, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ phù hợp với năng lực, sở trường của cán bộ. Đồng thời, đánh giá đúng cán bộ cũng là cơ sở quan trọng cho công tác quy hoạch tạo nguồn cán bộ, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu trước mắt và lâu dài.Nhiều ý kiến cho rằng, nếu đánh giá cán bộ ở khối chính quyền còn dễ vì công việc khá rõ ràng, nhưng với các ban Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị lại khó lượng hóa được. Vậy, Long Biên làm thế nào để đạt hiệu quả, không còn tình trạng “cào bằng”?- Lúc đầu cũng có ý kiến cho rằng, khó có thể cụ thể hóa để đánh giá chất lượng cán bộ ở các ban Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội. Tuy nhiên, thực tế là cơ quan nào cũng có nhiệm vụ cụ thể và nếu “chẻ” ra bằng hiệu quả công việc lại rất rõ. Như việc giải phóng mặt bằng tại một dự án, ví dụ còn 10 người chưa đồng ý nhận tiền, dân vận vào cuộc mà không được ai cả là không hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi không quan tâm các cơ quan đã rải được bao nhiêu tờ rơi, tổ chức được bao nhiêu hội nghị, mà đặt vấn đề phải vận động bao nhiêu trường hợp, sau vận động được số hộ cụ thể thế nào thôi.Hay Hội phụ nữ, quận giao nhiệm vụ xây dựng chợ văn minh, Đoàn thanh niên trang trí các trường học, Hội Cựu chiến binh giữ gìn các nhà sinh hoạt cộng đồng… Nếu chỗ nào không đảm bảo, hình ảnh nhếch nhác thì cứ việc “gõ” đơn vị phụ trách là ra, rồi tổ chức chấm điểm thi đua một cách rất cụ thể. Ở đây, nhiệm vụ tuyên truyền hoạt động phải gắn liền với hành động chứ không chỉ dừng lại ở nói chung chung.
Cán bộ hành chính quận Long Biên hướng dẫn người dân làm thủ tục. Ảnh: Chiến Công. |