Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng: Thành phố đáng sống sao lại thiếu nước?

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Đà Nẵng nhận được rất nhiều tình cảm của những địa phương khác và nước ngoài như là một thành phố đáng sống, thế nhưng, trên mạng xã hội bình luận về “Thành phố đáng sống” mà lại thiếu nước thì có phải không?”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa chia sẻ.

 Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa (đi giữa hàng trước) kiểm tra tại Nhà máy nước Cầu Đỏ

Phải xây Nhà máy nước Hòa Liên vào năm 2019
Những ngày đầu tháng 11/2018 vừa qua, Đà Nẵng xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt khiến người dân lao đao. Nguyên nhân khách quan được các đơn vị liên quan chỉ ra là do nước sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn, nên Nhà máy nước Cầu Đỏ không thể lấy nước tại đây để xử lý. Trong khi đó, trạm bơm phòng mặn An Trạch đường ống thiết kế không đảm bảo bơm đủ công suất cho Nhà máy nước Cầu Đỏ, khiến lượng nước thiếu hụt.
Cử tri Đà Nẵng rất quan tâm đến vấn đề này và nêu ý kiến đến Đoàn Đại biểu Quốc hội TP tại buổi tiếp xúc vào sáng 27/11. Trả lời thắc mắc của cử tri, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nói: “Ban Thường vụ Thành ủy hiện tập trung vào vấn đề “nóng” để Đà Nẵng xây dựng thành phố môi trường cũng như thành phố đáng sống, đó là cấp nước sạch. Nước sạch là vấn đề đang rất được quan tâm, trong khi dự án Nhà máy nước Hòa Liên đã được quan tâm xây dựng từ năm 2012 nhưng vì ý kiến này kia khiến đến bây giờ gần như bắt đầu lại từ đầu”.
Bí thư Trương Quang Nghĩa khẳng định với cử tri: “Thường vụ Thành ủy đã họp và thông qua chủ trương là yêu cầu UNBD TP, HĐND TP kết hợp thông qua chủ trương trong kỳ họp HĐND TP sắp tới là phải khởi công dự án Nhà máy nước Hòa Liên trong năm 2019 với công suất 120.000m3/ngày đêm. Dự án này, Đà Nẵng quyết định đầu tư công, phải quản lý, triển khai, quyết toán chặt chẽ, sau đó sẽ thành lập công ty cổ phần hoặc bán đấu giá để khai thác”.
Ông Nghĩa chia sẻ thêm: “Đà Nẵng với tiêu chí xây dựng đô thị hiện đại, đô thị môi trường. Chúng ta nhận được rất nhiều tình cảm của những địa phương khác và nước ngoài như là một thành phố đáng sống. Thế nhưng, trên mạng xã hội bình luận về “Thành phố đáng sống” mà lại thiếu nước thì có phải không?”.
 Nhà máy nước Cầu Đỏ đang thi công hạng mục để nâng công suất
Chấn chỉnh công tác quản lý Dawaco
Theo Bí thư Trương Quang Nghĩa, Công ty cổ phần cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) từ khi cổ phần hóa đến nay, việc quản lý, phát triển doanh nghiệp đã đáp ứng được, kinh doanh có lãi. Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng nước sinh hoạt của Đà Nẵng thì rõ ràng Dawaco quá sức. Hiện nay, Dawaco đang thi công một số dự án để nâng cấp công suất cấp nước, ví dụ như tại Nhà máy nước Cầu Đỏ đang thi công phân kỳ 1 nâng cấp thêm 60.000m3/ngày đêm,
“Trong thời gian vừa qua, miền Trung hạn nặng, tới đây sẽ tiếp tục hạn mà nguy cơ nhiễm mặn là rất lớn. Thế nhưng, câu chuyện nhiễm mặn của Cầu Đỏ không phải vấn đề. Bởi, nhà máy nước Cầu Đỏ đã được phương án hỗ trợ dự phòng là trạm bơm An Trạch cách đó 8km. Trạm bơm An Trạch đủ công suất cho Cầu Đỏ hoạt động bình thường, nghĩa là do điều hành thôi”, ông Nghĩa nhận định.
Sau chuyến kiểm tra thực tế tại Nhà máy nước Cầu Đỏ, Trạm bơm phòng mặn An Trạch và làm việc với Dawaco ngày 24/11, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho rằng, cái chính là trách nhiệm điều hành của Ủy ban, sau cổ phần hóa thì phó mặc cho doanh nghiệp. “Mặc dù Dawaco hoạt động theo công ty cổ phần nhưng bây giờ vẫn đang trên 60% vốn Nhà nước. Hiện nay, Dawaco có 3 đơn vị quản lý gồm: Nhân sự do Sở Nội vụ, vốn do Sở Tài chính và Ngành do Sở Xây dựng. Chỉ có một ngành quản lý thôi, đó là Ngành xây dựng quản lý và chịu trách nhiệm toàn diện”, ông Nghĩa nói.
Về những giải pháp giải quyết căn cơ tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa thông tin đến cử tri: “Bên cạnh xây dựng Nhà máy nước Hòa Liên, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các thành viên đại diện vốn Nhà nước ở Dawaco phải báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ của mình; phải báo cáo riêng về ông Tổng giám đốc Dawaco; có kế hoạch củng cố, bổ sung, cải tạo đường ống từ An Trạch về Cầu Đỏ, kiểm điểm, đánh giá lại việc thực hiện chế độ bảo dưỡng, duy trì vận hành 6 máy bơm của trạm bơm An Trạch. Ngoài ra, còn các giải pháp như quy hoạch nước, đánh giá lại nguồn nước tại Đà Nẵng. Cần có những giải pháp để biểu đồ cấp nước hiệu quả nhất”.