Tuy nhiên, ở Hà Nội hiện nay, tình hình biển báo giao thông còn khá nhiều bất cập, gây khó khăn trong việc tuân thủ chỉ dẫn của người dân. Từ đó tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Ma trận thông tin
Trên địa bàn Hà Nội, vẫn còn tình trạng đặt biển báo giao thông chưa phù hợp, “đánh đố”, gây nên nhiều phiền phức cho người đi đường. Tình trạng “biển che biển”, các biển báo bị hoen gỉ, méo mó cũng làm hạn chế khả năng nhận biết của người tham gia giao thông... Đơn cử, trên trục đường Nguyễn Trãi – Thanh Xuân để cảnh báo người dân khi lưu thông qua dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông, một số biển báo giảm tốc độ đã được thiết lập. Tuy nhiên, điều đáng bàn là hầu hết các biển báo này đều đã hoen gỉ, diện tích nhỏ. Vào buổi tối, khi đèn chiếu, phản quang hướng đi khác với góc nhìn lái xe, khó đọc được biển báo. Tương tự, trên Đại lộ Thăng Long hiện cũng có nhiều biển báo mới nhưng người đi đường khó có thể nhận biết, tuân thủ tốc độ nào ở làn đường nào. Trên tuyến đường này có biển báo tốc độ quy định, nhưng lại thiếu biển báo tốc độ tối đa hay tối thiểu cho phép; có đoạn thì “cắm” chi chít biển báo; có nơi có biển báo chỉ dẫn lối ra, nhưng người đi đường tìm mãi mà chẳng thấy lối ra ở đâu…
Trên đường Vành đai 3 đoạn rẽ ra Nguyễn Trãi – Thanh Xuân, tồn tại biển báo bất hợp lý gây bức xúc cho người tham gia giao thông. Từ đường Vành đai 3, nếu muốn rẽ phải sang Nguyễn Trãi các chủ phương tiện sẽ được hướng dẫn đi vào làn trong (tức là leo lên vỉa hè), còn nếu đi ở làn ngoài phải đi thẳng. Những ai đã quen với cung đường này sẽ không sa vào “bẫy”, còn nếu chưa quen chắc chắn bị “tuýt còi”. Ngoài ra, việc thay đổi biển báo thường xuyên (2 - 3 tuần/ lần) tại khu vực này cũng khiến người dân gặp nhiều khó khăn khi di chuyển.
Còn tại quốc lộ, nhiều lái xe phản ánh, khoảng cách cắm biển cảnh báo tốc độ cho phép hiện nay chưa phù hợp, chưa tạo khoảng cách hợp lý để lái xe điều chỉnh tốc độ theo quy định. Tình trạng biển báo hiệu đường bộ gây bức xúc, thậm chí gây mất an toàn giao thông và khiến lái xe bị phạt oan còn phổ biến ở nhiều nơi. Việc quy rõ trách nhiệm thuộc về ai lại là vấn đề không đơn giản và mất thời gian. Do vậy, không thể để tình trạng trên gây ảnh hưởng tiêu cực đối với người đi đường. Các bộ, ban, ngành từ T.Ư đến địa phương trong lĩnh vực giao thông cần khẩn trương đề ra những phương hướng, biện pháp phù hợp nhằm xử lý, khắc phục những bất cập, rà soát, điều chỉnh hệ thống biển báo giao thông để đi vào quy chuẩn thống nhất.
Khai tử biển báo bất hợp lý
Yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải đặt, thay thế và bổ sung hệ thống biển báo giao thông như thế nào cho đúng quy định và tiêu chuẩn. Điều này trực tiếp đặt ra cho Bộ GTVT, Tổng cục đường bộ nói chung trong việc nghiên cứu đề xuất và sớm hoàn thành rà soát và thay thế hoặc bổ sung những biển báo giao thông phù hợp.
Người tham gia giao thông là đối tượng trực tiếp tuân theo chỉ báo của hệ thống biển báo giao thông. Thế nên họ trực tiếp vướng vào “ma trận biển báo”.
Xuất phát từ thực tế đó, những ý kiến phản ánh của dân là kênh thông tin sát thực nhất cho các cơ quan chuyên trách trong việc rà soát những sai sót trong hệ thống biển báo. Từ đó, tìm ra phương thức, biện pháp giải quyết hợp lý nhất. Bên cạnh đó, tình trạng biển báo bị che khuất tầm nhìn cũng gây ảnh hưởng không nhỏ cho người đi đường. Vì vậy, lực lượng chức năng cũng cần giải tỏa lều quán, các biển quảng cáo, cửa hiệu… lắp dựng trái phép ra khỏi phạm vi đất của đường bộ giúp cho giao thông được thông suốt.
Biển báo tốc độ trên trục đường Nguyễn Trãi – Thanh Xuân có kích thước nhỏ, đã hoen gỉ chưa được thay thế. Ảnh: Vũ Cúc |
Lâu nay, nhiều người vẫn cứ nhầm tưởng rằng những biển báo bất hợp lý do CSGT cắm, nhằm mục đích “bẫy” người dân. Thực chất, việc cắm biển báo là nhiệm vụ của ngành giao thông. Lực lượng CSGT chỉ là người thực thi xử phạt vi phạm người tham gia giao thông trên cơ sở căn cứ vào biển báo ở các tuyến đường. Do vậy, việc phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa ngành giao thông và lực lượng CSGT là yêu cầu cần thiết, góp phần khắc phục những nhược điểm, sai sót, những bất cập của tình trạng trên. Bộ GTVT chủ trì phối hợp với Bộ Công an cần xây dựng kế hoạch, phân công cho các cấp, các ban, ngành tại địa phương thành lập các tổ liên ngành thường xuyên kiểm tra thực tế biển báo tại các tuyến đường.
Trong lĩnh vực giao thông, những hệ thống giao thông thông minh đang dần thay thế những biển báo lỗi thời lại vừa gây ra sự phức tạp, khó khăn cho người đi đường. Một số nơi trên địa bàn Hà Nội đã đầu tư áp dụng những hệ thống, thiết bị giao thông thông minh để phục vụ người dân. Tuy nhiên quá trình ứng dụng chưa được đồng bộ, chỉ áp dụng thí điểm chứ chưa được triển khai rộng rãi dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý. Về lâu dài, đây thật sự là một trong những biện pháp hữu hiệu, thuận lợi không chỉ cho người tham gia giao thông mà còn cho cả lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ điều tiết, phân làn xe cộ.
Vấn đề hệ thống biển báo chỉ là một trong số những thực trạng chung trong bức tranh toàn cảnh giao thông ở Hà Nội. Để giải quyết tốt tình trạng này cần sự chung tay của không chỉ các cấp, ban ngành có liên quan mà cần có sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả từ phía người dân, góp phần xây dựng văn hóa giao thông, để an toàn giao thông là hạnh phúc của mọi nhà.