Điều đáng nói là rất nhiều phụ huynh không biết việc mình đang làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý cũng như nhận thức của con mình. Ngay cả chuyện bố mẹ cãi nhau, cũng để lại ấn tượng không tốt trong lòng trẻ. Lâu dần, như giọt nước tràn ly, hành động này của bố mẹ sẽ hình thành trong trẻ sự phản kháng...
Trên các diễn đàn internet gần đây, nhiều em cũng bày tỏ sự buồn chán khi bố mẹ cãi nhau và giải pháp được đưa ra nhiều nhất là "hãy bỏ đi nơi khác để cho cha mẹ thích làm gì thì làm".
Ảnh minh họa.
Thực tế cũng cho thấy, những mâu thuẫn giữa cha mẹ đôi lúc không gây ra tác hại ngay lập tức, nhưng có ảnh hưởng xấu trong việc hình thành nhân cách của trẻ. Rất nhiều trẻ phản ứng lại bằng cách tỏ ra hung hãn, dễ gây hấn, kích động ở những môi trường khác. Nhiều em bắt đầu có biểu hiện bất cần, tỏ ra bạo lực với bạn bè...
Gia đình nào cũng có mâu thuẫn, tuy nhiên, giải quyết thế nào để ổn thỏa mà không ảnh hưởng đến con là điều quan trọng nhất. Bởi thế trong gia đình cũng cần có những quy định cụ thể mà mỗi thành viên phải chấp hành.
Cha mẹ là người tập cho con thực hiện những quy định này thì bản thân họ phải là những người gương mẫu. Do đó, kể cả khi xảy ra mâu thuẫn, các cặp vợ chồng nên có ý thức tôn trọng nhau và tôn trọng cả con cái của mình.
Thay vì cãi vã, các cặp vợ chồng nên cùng nhau thảo luận dựa trên sự tôn trọng này. Có nhiều ý kiến cũng cho rằng, chuyện tranh luận trước mặt trẻ cũng là điều nên làm để trẻ cần phải hiểu mỗi người có một quan điểm riêng nên chuyện bất đồng hoàn toàn có thể xảy ra, thậm chí giữa cha mẹ chúng.
Bởi những đứa trẻ sống trong môi trường hoàn toàn "vô trùng", không một lời tranh luận, khi trưởng thành rất dễ rơi vào tình trạng lúng túng, kém cỏi trong việc nói lên quan điểm riêng hay khi phải giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn.
Do đó, thay vì cãi nhau, các bậc cha mẹ hãy biến cuộc tranh luận thành một "tình huống giáo dục", giúp trẻ hình thành nguyên tắc giải quyết vấn đề.