Biến dạng mũi do di chứng chấn thương

Hà Linh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 28/3, thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, chấn thương mũi có thể do tai nạn giao thông, bạo lực, tai nạn sinh hoạt, thẩm mỹ... ảnh hưởng không chỉ đến thẩm mỹ, chức năng mà còn ảnh hưởng đến tâm lý bệnh nhân.

Chấn thương mũi là tổn thương hay gặp trong chấn thương hàm mặt do mũi nằm vị trí trung tâm và nhô ra trước nhất so với khuôn mặt. Tổn thương có thể gặp bao gồm gãy xương chính mũi, lệch vách ngăn mũi, đứt rách phần mềm của mũi…

Bác sĩ Nguyễn Phương Tiến – Khoa Phẫu thuật Sọ mặt, Trung tâm Phẫu thuật Sọ mặt và Tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, trong nhiều trường hợp tổn thương vùng mũi bị bỏ sót do mũi sưng nề hoặc không can thiệp hoàn chỉnh ngay thì đầu do xương gãy nát vụn hoặc quá phức tạp.

Khi đó, di chứng để lại gây lệch vẹo biến dạng hình thể thẩm mỹ cũng như ảnh hưởng chức năng của mũi, hậu quả làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh, tâm lý tự ti và mặc cảm về ngoại hình.

Ngày nay, chấn thương mũi do nạn giao thông và tai nạn lao động ở nước ta vẫn còn cao, xử lý tổn thương thì đầu ở các cơ sở y tế còn nhiều còn hạn chế do đó tỉ lệ biến dạng mũi di chứng chấn thương còn cao. Những trường hợp này cần được can thiệp phẫu thuật để phục hồi về hình thể cũng như chức năng của mũi, cải thiện chất lượng cuộc sống và tâm lý cho người bệnh.

Sống mũi biến dạng hình yên ngựa trước phẫu thuật.
Sống mũi biến dạng hình yên ngựa trước phẫu thuật.

Theo bác sĩ Nguyễn Phương Tiến, triệu chứng nhận biết biến dạng mũi di chứng chấn thương thường gặp nhất đó là tình trạng biến dạng về hình thể của mũi xuất hiện sau chấn thương.

Đơn cử như trục của mũi có thể bị xoắn vặn, lệch vẹo. Sống mũi có thể lồi lõm hình yên ngựa do bị sập cấu trúc nâng đỡ mũi. Vách ngăn mũi có thể lệch gây tắc một hoặc hai bên lỗ mũi, đôi khi gây viêm mũi xoang từng đợt. Cánh mũi, lỗ mũi và trụ mũi có thể mất cân đối, chít hẹp…

Một số trường hợp còn có sẹo xấu co rút gây mất thẩm mỹ.

Điều trị biến dạng mũi di chứng chấn thương đòi hỏi phải thực hiện ở cơ sở có chuyên khoa sâu về phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình, được khám xét cẩn thận và phẫu thuật bởi bác sĩ có kinh nghiệm.

Phương pháp điều trị cụ thể phụ thuộc vào tính chất, mức độ tổn thương và biến dạng của mũi. Có thể có các phương pháp:

Phẫu thuật chỉnh hình xương mũi: Cắt xương, mài gồ, chỉnh trục hoặc cắt xương đơn thuần…

Tạo hình độn bằng chất liệu tự nhân, chất liệu nhân tạo.

Phẫu thuật tạo hình đầu mũi.

Phẫu thuật sửa sẹo, tạo hình phần mềm đơn thuần.

Di chứng chấn thương mũi đã ảnh hưởng không chỉ đến thẩm mỹ, chức năng mà còn ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý bệnh nhân. Hiện nay, đã có nhiều phương pháp để điều trị hoặc cải thiện một phần các di chứng này. Bệnh nhân và người nhà cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và tư vấn phù hợp nhất.