Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn dự báo

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 25/4, đoàn giám sát của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam do Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân làm trưởng đoàn đã làm việc với Bộ TN&MT về thực hiện chính sách về phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Ruộng đồng nứt nẻ vì hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Ruộng đồng nứt nẻ vì hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, tác động của BĐKH đang diễn ra nhanh hơn dự báo rất nhiều: xâm nhập mặn, khô hạn, thiếu nước...  đang đặt ra bài toán đầy thách thức. Mỗi người dân đều có thể làm giảm tác động của BĐKH thông qua việc làm hàng ngày về giảm chất thải, tiết kiệm nước... “Năm 2015 - 2016 diễn biến thời tiết rất cực đoan. Với tính cực đoan của BĐKH, chúng ta chưa chủ động có những tính toán để đưa các giải pháp ứng phó kịp thời” - Bộ trưởng Bộ TN&MT thừa nhận và cho rằng, việc thực hiện chính sách, giải pháp về ứng phó BĐKH còn nhiều hạn chế. Trong xu thế hiện nay đòi hỏi một cuộc cách mạng trong nông nghiệp để ứng phó với tình trạng thiếu nước. Đồng thời, đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn kể cả về bộ máy, điều hành.

Bộ trưởng Bộ TN&MT dẫn chứng về công tác điều hành hiện nay chưa ổn. Ví dụ tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước đã được dự báo từ 3 - 4 tháng trước. Nhưng vì diễn ra vào dịp Tết, không có người đo đạc tỷ lệ mặn, chậm ứng phó vì vậy khi nước mặn vào thì vô phương cứu chữa. Đó là một trong nguyên nhân dẫn đến tình trạng như vừa qua. Qua đó cho thấy công tác điều hành hiện nay có vấn đề. Bộ TN&MT đã họp về vấn đề này.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cũng cho rằng: Để ứng phó BĐKH hiệu quả, Việt Nam phải đẩy mạnh khâu cảnh báo, tuyên truyền cẩn trọng trong lựa chọn dự án, công nghệ, không để Việt Nam thành bãi rác công nghệ, chủ động chuyển đổi trong sản xuất.

Từ thực tế hiện nay, nhiều ý kiến đề xuất, Chính phủ phải rà soát lại quy hoạch phát triển có tích hợp giải pháp ứng phó BĐKH, có quan điểm chỉ đạo đổi mới rõ ràng về nông nghiệp và năng lượng, có những dự án mang tính tổng thể, không manh mún, tập trung xã hội hóa.  Bên cạnh đó, tất cả các ngành, cấp đều phải có kế hoạch để triển khai, trách nhiệm của các cấp bộ ngành phải rõ ràng.

Cho rằng thích ứng với BĐKH là nội dung vừa cấp bách vừa lâu dài, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Sau khi khảo sát, MTTQ sẽ có báo cáo tổng thể về tình hình BĐKH hiện nay, làm rõ tác động đến người nông dân, đến sản xuất nông nghiệp hiện nay để đề xuất hướng xử lý. “Chúng ta cũng cần làm rõ trong hệ thống chính quyền ai chịu trách nhiệm chính trong việc bảo đảm nước sinh hoạt, nước cho sản xuất cho người dân” - Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam nhấn mạnh; đồng thời cho rằng, để ứng phó BĐKH thành công phải thay đổi hành vi của con người trong nhiều lĩnh vực. Trước hết phải quyết liệt tiết kiệm sử dụng nguồn nước cả trong sản xuất lẫn sinh hoạt. Đặc biệt không coi nước là nguồn tài nguyên vô hạn, thay vào đó phải coi nước là nguồn tài nguyên hữu hạn. Đồng thời nên có khuyến cáo 10 hành vi thay đổi của người tiêu dùng khi sử dụng nước, nghiên cứu đến việc tái sử dụng nước; phải có giải pháp đồng bộ về quản lý nước ở 3 cấp là quốc gia, vùng và hộ gia đình.