Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Biến đổi khí hậu tác động tới khủng hoảng lương thực

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Khi giá lương thực tăng cao, người nghèo thường phải đối mặt với cú sốc kép. Họ phải đương đầu với giá lương thực cao hơn trong khi thời tiết khắc nghiệt có thể cũng gây thiệt hại lớn về gia súc gia cầm, phá hủy nhà cửa và trang trại hoặc tước đoạt phương tiện kiếm sống của họ.

Mưa bão và hạn hán vốn gây ra những đợt tăng giá lương thực dữ dội có thể là khởi đầu của viễn cảnh khắc nghiệt khi biến đổi khí hậu tác động sâu sắc hơn tới cuộc sống con người.

Trong báo cáo công bố ngày 28/11, Oxfam nêu rõ trong 18 tháng qua, thời tiết khắc nghiệt đã khiến giá lúa mì, ngũ cốc và lúa miến tăng mạnh, đẩy cuộc sống của hàng chục triệu người vào cảnh nghèo đói.

Khi giá lương thực tăng cao, người nghèo thường phải đối mặt với cú sốc kép. Họ phải đương đầu với giá lương thực cao hơn trong khi thời tiết khắc nghiệt có thể cũng gây thiệt hại lớn về gia súc gia cầm, phá hủy nhà cửa và trang trại hoặc tước đoạt phương tiện kiếm sống của họ.

Oxfam dẫn một nghiên cứu của các nhà khoa học về khí hậu của Liên hợp quốc cho biết sự ấm lên toàn cầu do con người gây ra đã làm tăng các đợt nóng và lượng mưa gây lụt lội và có thể sẽ góp phần gây ra những thảm họa khôn lường trong tương lai.

Oxfam kêu gọi Hội nghị Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) nỗ lực bàn vấn đề cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và đưa vào hoạt động quỹ dự kiến để giúp các nước nghèo.

Một trong các mục tiêu hiện nay là khởi động "Quỹ khí hậu xanh" để vào năm 2020 có thể chuyển khoảng 100 triệu USD/năm cho các nước có nguy cơ cao phải gánh chịu tác động của biến đổi khí hậu.

Cảnh báo của Oxfam được đưa ra trong bối cảnh Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 17 (COP-17) đang diễn ra tại Durban, Nam Phi.