Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Biến đổi kinh tế thế giới sau 35 năm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xu hướng tự do hóa và toàn cầu hóa nền kinh tế, cùng sự phát triển của các tập đoàn đa quốc gia đã thay đổi bộ mặt toàn cầu từ sau năm 1980.

Biến đổi kinh tế thế giới sau 35 năm - Ảnh 1
Từ số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trang Howmuch.net đã tạo ra một biểu đồ thể hiện sự thay đổi về GDP của những nền kinh tế lớn nhất thế giới từ năm 1980 đến 2015. Kích thước trên biểu đồ của các quốc gia và vùng lãnh thổ tương ứng với GDP danh nghĩa của họ.

Theo đó, thay đổi lớn nhất trong 35 qua là sự tăng trưởng của khu vực châu Á. Năm 1980, châu Âu chiếm khoảng 32% GDP toàn cầu, trong khi châu Á chỉ chiếm 20%. Tuy nhiên, đến năm 2012, xu hướng đã đảo ngược khi châu Á chiếm tỷ trọng lớn hơn so với châu Âu.

Tại châu Á, nền kinh tế có sự thay đổi lớn nhất là Trung Quốc, với tỷ trọng trong GDP toàn cầu tăng vọt từ 2,8% năm 1980 lên 13,4% năm 2014. Với tốc độ tăng trưởng như vậy, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Ngược lại, kinh tế Nhật Bản suy yếu rõ rệt, khi đóng góp trong GDP toàn cầu giảm từ 17,6% năm 1994 xuống còn 6% năm ngoái.

Trong khi đó, kinh tế Mỹ ghi nhận tình trạng phát triển thất thường. Mỹ tăng trưởng ở mức tương đối trong giai đoạn 1980-1985, và bắt đầu suy yếu trong một thập kỷ tiếp theo. Sau đó, nền kinh tế lớn nhất thế giới dần vực dậy và đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất năm 2002, rồi lại rơi vào khủng hoảng tài chính đến tận năm 2009. Từ đó, GDP Mỹ tăng tương đối ổn định, chiếm khoảng 22% GDP toàn cầu và vẫn là nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Xu hướng tăng trưởng của kinh tế Mỹ tác động không hề nhỏ tới nền kinh tế toàn cầu. Rõ rệt nhất là vào giai đoạn 1986-1989, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ liên tiếp nâng lãi suất, và cú sốc giá dầu năm 1990. Năm 2001 là cột mốc đánh dấu kết thúc thập kỷ tăng trưởng mạnh của kinh tế Mỹ sau vụ khủng bố ngày 11/9.

Cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài từ năm 2007 đến năm 2009 cũng tạo ra cơn sốc mạnh với cả thế giới. Mỹ và các nền kinh tế châu Âu bắt đầu tăng trưởng chậm lại trong khi các nền kinh tế mới nổi, chủ yếu là ở châu Á, vẫn tiếp tục đi lên.