Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Biển Đông được nêu trong đề thi môn Ngữ văn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay, nhiều thí sinh kết thúc môn thi đầu tiên với tinh thần khá thoải mái, chủ đề biển đảo được đưa vào đề văn khiến thí sinh hào hứng với dạng đề mở này.

Ghi nhận của phóng viên, CTV báo Kinh tế & Đô thị tại các hội đồng thi: THPT Thăng Long, THPT Việt Đức, THPT Đống Đa (Hà Nội), Kim Liên, chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông)… hầu hết các thí sinh đều cho biết các em hoàn thành môn thi đầu tiên khá tốt, đề bài không quá dài, phù hợp với thời gian làm bài. Đặc biệt, đề thi Văn năm nay có câu hỏi 3 điểm nói về chủ đề biển đảo Việt Nam.

Thí sinh Nguyễn Giang Hương, trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho biết: “Đề thi mang tính thời sự. Đề “mở” hết cỡ, nhiều bạn của em ôn phần bài Tây Tiến đã được cho là “nhìn xa, trông rộng”, tuy nhiên, Bộ GD&ĐT còn nhìn xa hơn. Đề thi thích hợp với khối A, vì không phải ôn nhiều, chúng em được thoải mái đưa quan điểm, sự hiểu biết của mình qua đề Văn mở này. Với cách ra đề như thế này,  em thấy khá thú vị. Về điểm thi em không chắc là mình được điểm cao, nhưng chắc chắn rằng sẽ không quá thấp.” Hương tự tin cho biết. 

Về đề Văn năm nay, đa số thí sinh đều có nhận định, dù không được ôn trước nhưng những ngày này, trên các kênh truyền thông: Truyền hình, báo, đài đều đưa thông tin, hình ảnh về biển đảo, nên dạng đề này không quá khó để viết lên những suy nghĩ của mình.
Những thí sinh đầu tiên ra khỏi điểm thi Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông)
Những thí sinh đầu tiên ra khỏi điểm thi Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (quận Hà Đông)
* Thí sinh Nguyễn Thị Thúy Nga - Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ (Hà Đông) cho biết: “Em thấy đề Văn năm nay cũng tương đối dễ, cũng khá thú vị khi đề cập tới vấn đề Biển Đông, một vấn đề khá nóng hiện nay”. Cùng có nhận xét với Nga, Khánh Linh chia sẻ: Đề thi Ngữ văn năm nay em cảm thấy bình thường, em làm được khoảng 85%, khá sát với chương trình chúng em học. Hơn nữa đề có hướng mở và gần thực tế hiện nay do đó em phát huy được khả năng sáng tạo và độ nhạy bén. Cụ thể, trong câu đầu tiên có nói về vấn đề Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải dương 981 trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế và quyền tài phán của Việt Nam.

Trong khi đó, theo đánh giá của bạn Hoàng Hải thì đề Ngữ văn năm nay thú vị và khá hay. “Em thấy đề môn Văn có câu hỏi mở, với những câu hỏi này chúng em sẽ hiện theo quan điểm của riêng mình theo tinh thần chung của bài. ” -  Hải chia sẻ.

Khác với Nga, Linh và Hải, bạn Vũ Trường Lam - Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ có vẻ hơi buồn chia sẻ: Đối với riêng em đề Ngữ văn năm nay khá khó, nhất là câu 2 làm em mất rất nhiều thời gian, còn câu một thì đòi hỏi bọn em phải hiểu biết về tính thời sự.

* Đối với những thí sinh tại điểm thi Trường THPT Kim Liên, đều có chung nhận xét đề Ngữ văn không khó và bám sát thực tế. “Theo em thấy đề thi môn Ngữ văn năm nay bám sát theo thực tế, đặc biệt là câu hỏi về Biển Đông. Với em câu hỏi này dễ, bởi trước đó các thầy cô cũng đã nhắc nhở ôn tập vấn đề này, nên những ngày qua em thường theo dõi tin tức, trên báo chí, internet để có thể theo dõi và bám sát sự kiện” - thí sinh Đỗ Minh Nhật, Trường THPT Kim Liên chia sẻ.

Đánh giá về đề Ngữ văn, thí sinh Nguyễn Thị Hương Trà, (Trường THPT Kim Liên) cho biết: “Với riêng bản thân em, em thấy đề thi môn Ngữ văn năm nay không khó chỉ cần đọc và xem tin tức hàng ngày, là hiểu được vấn đề và nêu rõ quan điểm của bản thân, hoàn thành được tốt bài thi. Chứ các câu hỏi không liên quan hay phụ thuộc quá nhiều vào kiến thức Văn học”.

* Tại Hội đồng thi Trường THCS Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân), em Trần Công Đạt lớp 12A3, Trường THPT Phan Bội Châu, một trong 3 thí sinh đầu tiên bước ra khỏi cổng trường cho biết: Đề thi dễ. Câu hỏi đọc hiểu (3 điểm) về tình hình căng thẳng trên Biển Đông em đã ôn tập qua, nên không mất nhiều thời gian để làm. Trong bài làm của mình, em đã tỏ rõ thái độ trước những hành động sai trái và phi lý của Trung Quốc. Yêu nước nhưng phải đúng cách là quan điểm của em. Với lứa tuổi của chúng em, hành động yêu nước cần thể hiện đó là học tập thật tốt, thi đỗ vào một trường đại học để có cơ hội tiếp tục trau dồi kiến thức cho mình, để tạo nền tảng vững chắc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Cũng với yêu cầu viết một đoạn văn ngắn bày tỏ thái độ của anh/chị về sự kiện trên, em Nguyễn Thu Hằng, học sinh lớp 12A5 và Nguyễn Thùy Linh, học sinh lớp 12A9 Trường THPT Nhân Chính cùng cho biết: Đối với chúng em, cần phải trau dồi, củng cố kiến thức về biển đảo; tuyên truyền cho mọi người lòng yêu nước, thể hiện sự đoàn kết. Với em, em cần phải học tập tốt, là những người con ngoan, trò giỏi và có nhiều hoạt động hướng về biển đảo quê hương”.