Hôm 6/6, tại phiên khai mạc, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu, Trung Quốc và Mỹ cần tin tưởng lẫn nhau hơn nữa khi cả 2 bên đều đang nỗ lực giảm thiểu căng thẳng trên Biển Đông.
Lãnh đạo Trung - Mỹ tại Đối thoại chiến lược và kinh tế. |
Tuy nhiên, người đứng đầu nền kinh tế thứ 2 thế giới vẫn giữ lập trường cứng rắn tại Biển Đông. “Một số tranh chấp có thể không được giải quyết trong thời gian này”, ông Tập Cận Bình nói.
Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền với hầu hết tuyến đường biển quan trọng và cấp tập xây dựng trái phép các đảo nhân tạo cho mục đích quân sự, bất chấp sự phản đối của các quốc gia trong khu vực. Đáp lại hành động của Bắc Kinh, Washington đã điều tàu chiến tuần tra gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp, khiến giới chức nước này tức giận. Về phía Mỹ, Ngoại trưởng John Kerry phát biểu: “Chúng tôi đang tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các tranh chấp trên Biển Đông và phản đối bất kỳ quốc gia nào giải quyết tranh chấp thông qua các hành động đơn phương”, ám chỉ đến việc mở rộng căn cứ quân sự trê biển trái phép ngày càng hung hăng của Trung Quốc. Cuộc đối thoại diễn ra ngay sau khi hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á - Thái Bình Dương vào cuối tuần trước, nơi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cảnh báo, Trung Quốc đang tự xây “Vạn lý trường thành” tự cô lập mình. Sau ý kiến của ông Carter, Đô đốc Hải quân Trung Quốc Tôn Kiến Quốc ngang ngược tuyên bố, Bắc Kinh không ngại rắc rối trong vấn đề Biển Đông. Cuộc Đối thoại chiến lược và kinh tế là cuộc họp quan trọng nhất giữa 2 cường quốc kinh tế và quân sự hàng đầu thế giới, đem lại cơ hội thỏa thuận về một loạt các vấn đề liên quan đến an ninh và kinh tế. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận thường được “phủ bóng” bởi quan điểm xung đột, với sự gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, có khả năng làm lu mờ những nỗ lực tích cực.