Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Biến hàng rong thành nét đẹp đô thị

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Muốn bán hàng rong phải đăng ký, chính quyền sẽ cấp phép cho bán ở đâu, từ mấy giờ đến mấy giờ...

“Nhếch nhác, xô bồ, mất vệ sinh, làm xấu bộ mặt đô thị…” là những điều chúng ta dễ liên tưởng khi nhắc đến hàng rong. Nhưng với không ít người, hàng rong vẫn thực sự rất “dễ thương” do giá cả dễ chịu, người bán và người mua thường gần gũi, thân thiện. Và vẫn có cách để biến hàng rong trở thành một nét đẹp riêng cho đô thị hiện đại.

Hàng rong gọn, đẹp: Có thể!

TS Nguyễn Thị Hậu, Viện phó Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nhận xét: Không chỉ Việt Nam mà gần như tất cả các nước châu Á đều có hàng rong. Đến bất cứ vùng đất, quốc gia nào, chỉ cần nhìn vào hàng rong là sẽ biết văn hóa ẩm thực và nhiều điều thú vị về vùng đất đó. Hàng rong là một trong những phần hồn, góp phần tạo nên bản sắc riêng của đô thị.

“Bản thân hàng rong không nhếch nhác. Nhếch nhác hay không là ở ý thức của người bán và của cả người mua. Còn xét ở khía cạnh tích cực, hàng rong giúp mối quan hệ giữa người bán và người mua trở nên thân thiện, gần gũi hơn so với siêu thị, nơi người ta chỉ đối diện với hàng hóa và lạnh lùng ra quầy tính tiền” - bà Hậu nói.

Tương tự, bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM, cho biết: “Ở các đô thị lớn tôi từng đi qua như Paris (Pháp), London (Anh), Seoul (Hàn Quốc), Barcelona (Tây Ban Nha)… vẫn có hàng bán rong, được tổ chức khá lịch sự và hiện đại. Họ bày hàng trên những ô tô tải nhỏ (trong khi hàng rong ở Việt Nam thường là quang gánh hoặc xe đạp, xe máy, thế thì rác để ở đâu?), khách ghé tới mua thức ăn và đứng ăn tại chỗ, xong rồi đi. Nhanh gọn. Không có bàn ghế để ngồi cà kê”.

Muốn văn minh, phải quản lý tốt

Theo bà Thanh, người bán rong ở những đô thị trên phải đăng ký và chính quyền sở tại sẽ cấp giấy phép cho họ được bán ở đâu, từ mấy giờ đến mấy giờ. Đặc biệt, chính quyền chỉ cho phép các xe bán hàng rong đậu ở những tuyến đường một chiều, những nơi giao thông không tấp nập. Điều này thật khác ở ta, khi những nơi đông đúc xe cộ lại luôn tập trung nhiều hàng rong nhất.

Cũng chính nhờ quản lý qua việc cấp phép nên tại một địa điểm, trong cùng thời điểm chỉ có một số người được bán hàng rong. Nếu hết chỗ, những người tiếp theo phải chờ đến khi nào có chỗ. Việc buôn bán cũng đâu ra đó, rất quy củ. Chẳng hạn nếu quy định chỉ được bán tới 13 giờ thì đến đúng giờ đó, những người bán phải dọn đi. Liền đó, một đội vệ sinh sẽ tới rửa dọn thật sạch sẽ chỗ bán, trả lại vỉa hè sạch thoáng cho người đi bộ.

“Có thể thấy nếu được tổ chức, quản lý tốt thì trong không gian đô thị vẫn có nơi để người dân thỏa mãn nỗi nhớ nhung về một tiếng rao, về một gánh hàng rong của ngày xưa” - bà Thanh nói.

Đừng xua đuổi, hãy uốn nắn

Có thể nói rằng hàng rong ở Việt Nam gần như đang được thả nổi. Ai muốn bán gì thì cứ gánh, cứ chất lên xe rồi đẩy đi bán. Những ngã ba, ngã tư đông đúc xe cộ lại là nơi tập trung nhiều hàng rong nhất. Việc mua bán ngang nhiên diễn ra giữa lòng đường, bất chấp xung quanh ùn tắc, kẹt xe. Điều đó chứng tỏ hàng rong Việt Nam chỉ mới chiều theo cái thuận tiện trước mắt, thỏa mãn nhu cầu của người mua, người bán mà không để ý tới văn minh đô thị.

Bán xong, cũng không ai hơi đâu nghĩ đến chuyện vệ sinh xung quanh chỗ bán. “Tôi đi bán mang theo cái bịch nylon để đựng rác, khi về cứ để rác đó sẽ có công nhân vệ sinh thu dọn” - chị Mai, một người bán xe đẩy trái cây tại Công viên Gia Định (quận Gò Vấp), thản nhiên nói. Chị Mai lại còn tự hào vì mình còn có ý thức giữ vệ sinh bằng cách ấy, chứ nhiều người khác cứ quăng bừa vỏ trái cây xuống lề đường. Điều đó khiến đoạn đường phía trước công viên này thường đầy rác, đặc biệt là vào chiều tối.

Từ kinh nghiệm nước ngoài, bà Nguyễn Thế Thanh cho rằng muốn hàng rong trở nên văn minh, các địa phương không thể cứ quản lý theo kiểu “bất lực” mãi như hiện nay. Sự bất lực này thể hiện qua việc lâu lâu người ta ra quân xua đuổi hàng rong, những người bán chạy tán loạn khắp nơi nhưng rồi đâu lại vào đó.

Theo bà Thanh, hàng rong là một trong muôn vàn vấn đề cần phải uốn nắn của đô thị hiện đại. Đừng cấm hàng rong mà hãy đưa nó vào “quỹ đạo” phù hợp, như cách các đô thị trên đã làm. Nếu quản lý tốt, chính quyền có thể thu được một khoản phí từ người bán hàng rong và dùng chính nguồn thu đó để trang trải cho việc dọn vệ sinh, trang trí… đường phố.

“Người ta có nhà cao tầng, mình cũng có. Người ta có hầm vượt, mình cũng có hầm vượt sông Sài Gòn… Vậy người ta quản lý hàng rong được, cớ sao mình lại không làm được? Tôi nghĩ chúng ta cứ quyết tâm là làm được” - bà Thanh nói.