"Biến số" Covid-19, thách thức mới cho tăng trưởng kinh tế

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kỉnhtedothi - Các dự báo tăng trưởng trước đây đều giả định rằng, Covid-19 sẽ được kiểm soát vào khoảng giữa năm 2021 trên thế giới và ở Việt Nam cơ bản không có làn sóng Covid-19 mới. Nền kinh tế Việt Nam được đánh giá là có thể vượt qua tác động của Covid-19, song cũng cần tính toán đến “biến số” này trong giai đoạn phát triển tiếp theo.

Đối đầu với làn sóng mới Covid-19 và các kịch bản tăng trưởng

Theo TS.Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và DN, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia (Bộ KH&ĐT), những giả định này cho đến nay có thể không phù hợp do Covid-19 vẫn đang tiếp tục hoành hành ở nhiều khu vực trên thế giới và Việt Nam cũng đang phải đối đầu với làn sóng mới này.    

“Ít nhất các ngành như giao thông vận tải, dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí trong quý I/2021 sẽ bị ảnh hưởng nhiều. Trong khi đó, tháng 1 chúng ta vừa có khởi sắc về con số thống kê, xuất nhập khẩu tăng trưởng trên 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng giờ tháng 2 đã bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát Covid-19 lần ba”- ông Thắng nói.

 Ảnh minh họa

Ông Thắng cho rằng, hiện nay, các yếu tố tích cực có thể kể đến như sản xuất nông nghiệp vẫn bảo đảm do cầu về lương thực, thực phẩm tăng. Ngoài ra những ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp thiết yếu vẫn duy trì tốt do trong vòng một năm qua, nhiều DN cũng đã thích ứng với tình hình. Một yếu tố khác nữa là đà phục hồi tăng trưởng của quí III và quí IV năm ngoái khá và nếu như tình hình hiện nay không diễn biến xấu hơn thì vẫn chưa ảnh hưởng quá nhiều đến các động lực đầu tư và sản xuất kinh doanh của DN. Chính vì những lý do này, có thể cho rằng nếu kiểm soát tốt dịch trong một thời gian ngắn, tốc độ tăng trưởng có thể không bị ảnh hưởng quá lớn. Tuy nhiên, cũng rất cần chú ý là nếu đợt dịch này kéo dài hơn, ảnh hưởng lũy tiến từ các đợt dịch trước đây sẽ làm cho phục hồi kinh tế sẽ khó khăn hơn.  

Báo cáo Kinh tế Vĩ mô năm 2020, trong đó có một số nội dung mang tính khuyến nghị chính sách cho năm 2021 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR). Sang năm 2021, cơ quan này đưa ra dự báo tăng trưởng cho Việt Nam theo 2 kịch bản. Trong đó, kịch bản thứ nhất là kịch bản cơ sở. Tại kịch bản này, bệnh dịch không lan rộng trong nước trong phần lớn thời gian của năm và hoạt động kinh tế nội địa tiếp hoạt động bình thường với sự dần trở lại trạng thái bình thường của kinh tế toàn cầu.

Đặc biệt, bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới có thể tái xuất hiện cục bộ trên quy mô nhỏ ở một số quốc gia. Theo đó, mức độ tác động của Covid–19 lên các ngành nông lâm ngư nghiệp, sản xuất chế biến chế tạo và các ngành trong khu vực dịch vụ sẽ không nghiêm trọng hơn so với năm 2020. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 5,6 – 5,8%.

Kịch bản thứ hai là kịch bản bất lợi. Ở kịch bản này, bệnh dịch trong nước bùng phát với biến thể mới của Covid-19 trong năm 2020 khiến hoạt động kinh tế bị gián đoạn. Đồng thời, bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới không có nhiều cải thiện, dù các nỗ lực đưa vaccine vào đời sống đã diễn ra, nhưng hiệu quả tới người dân chưa đạt quy mô lớn.

Việc đi lại trên thế giới chưa phục hồi. Do đó, dịch vụ lưu trú và ăn uống không có động lực hồi phục do thiếu khách du lịch nước ngoài, trong khi nhu cầu trong nước với các loại hình dịch vụ này cũng bị hạn chế do tình trạng hạn chế đi lại và sinh hoạt do bệnh dịch.

Hệ thống DN, đặc biệt là khu vực tư nhân, bắt đầu bộc lộ những tổn thương lớn do khả năng chống chọi dần suy kiệt. Đầu tư công tiếp tục được thúc đẩy nhằm hỗ trợ tổng cầu. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 1,8 - 2,0%.

Tuy nhiên, "chúng tôi vẫn nghiêng về kịch bản cơ sở hơn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam nhiều khả năng sẽ đạt mức tăng trưởng trong khoảng 5,6 – 5,8% trong cả năm 2021", VEPR nêu quan điểm.

Sớm thêm chính sách hỗ trợ DN

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2021. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh thúc đẩy 3 không gian kinh tế: Kinh tế trong nước với thị trường gần 100 triệu dân, kinh tế quốc tế với hội nhập được đẩy mạnh và kinh tế số.

Chính phủ cũng yêu cầu cập nhật kịch bản tăng trưởng; lập tổ công tác đặc biệt, giao Bộ KH&ĐT nghiên cứu, đề xuất gói hỗ trợ thứ hai cho người dân và DN.

Nói về các giải pháp, các chuyên gia đều đồng tình quan điểm của Chính phủ, vừa phải có giải pháp đặc biệt đối mặt với khủng hoảng (như miễn, giảm thuế), vừa phải có giải pháp chiều sâu để vừa bảo tồn được lực lượng DN, hạn chế sự đóng cửa, phá sản, trợ giúp cho các DN qua cơn khó khăn, vừa giúp doanh nghiệp chuyển đổi mô hình và phương hướng kinh doanh để phát triển.

Về phía cầu, phải đẩy mạnh hơn nữa chính sách kích cầu, tăng tiêu dùng nội địa để tận dụng thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam với gần 15% dân số là ở mức trung lưu. Và để đạt được những mục tiêu tăng trưởng, chắc chắn cần có sự cải cách mạnh mẽ và phải mang tính nền tảng số.

Với mức tăng trưởng GDP năm 2020 ước tính là 2,91%, Việt Nam trở thành quốc gia hiếm hoi trong ASEAN đạt mức tăng trưởng dương và thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới. Nhiều tổ chức quốc tế dự báo Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ "bật tăng" sau đại dịch. Mặc dù triển vọng tăng trưởng của Việt Nam khá tích cực song những dự báo này đều gắn chặt với giả định "phụ thuộc rất nhiều vào việc khống chế dịch bệnh trên toàn cầu cũng như việc giới thiệu các vaccine trong bối cảnh các quốc gia đang đối mặt với các đợt lây nhiễm nghiêm trọng hơn cũng như sự xuất hiện các chủng virus mới lây lan mạnh hơn".

Cụ thể, theo UOB, mặc dù Việt Nam đã đồng ý mua 30 triệu liều vaccine chống Covid-19 của hãng AstraZeneca, theo chia sẻ của Thứ trưởng Bộ y tế Trương Quốc Cường ngày 4/1, nhằm làm mạnh thêm năng lực quốc gia trong việc kiểm soát dịch bệnh ở trong nước, song Việt Nam cần khoảng thời gian nhất định để triển khai kế hoạch này do những hạn chế liên quan tới nguồn cung, khó khăn về vận chuyển, cũng như hạ tầng cơ sở ngành y tế ở trong nước.

TS. Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng của WB nhận định nền kinh tế Việt Nam có khả năng được phục hồi, không có nghĩa là không bị tác động. "Với sự lây lan nhanh chóng của chủng virus mới và sự nghiêm trọng ở một số quốc gia, Covid-19 sẽ là vấn đề ưu tiên mang tính toàn cầu. Trong đó, vaccine chính là "liều thuốc" mạnh mẽ và hiệu quả nhất để từ đó góp phần giải quyết những nút thắt của nền kinh tế. Trong một nền kinh tế có độ mở như Việt Nam, khi thế giới tốt hơn thì nền kinh tế Việt Nam chắc chắn cũng sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, cũng có không ít thách thức đang chờ đón Việt Nam phía trước", ông Jacques cho biết.

Đó là Việt Nam vẫn gặp những vấn đề của một nền kinh tế có mô hình tăng trưởng dựa vào yếu tố đầu vào, chưa có sự tăng trưởng về chiều sâu. Đặc biệt là khi Việt Nam đang tập trung vào những chính sách để phản ứng đối với Covid-19, nguồn lực để có thể giải quyết những vấn đề khác sẽ bị giới hạn và trở nên khó khăn. Hơn thế nữa, những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong thời gian tới đòi hỏi Việt Nam cần có cơ chế, giải pháp chính sách mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa để tạo sức bật cho nền kinh tế. Không nên chủ quan, mà cần tập trung kích thích phát triển đồng bộ cả ba động lực tăng trưởng đó là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, trường hợp dịch Covid-19 được khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP quý I/2021 tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP. Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, dù có tác động của đại dịch, dự báo tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực do nhiều yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng như tiếp tục thực hiện cải cách thể chế và cải thiện môi trường đầu tư. Các hiệp định tự do thương mại đang bắt đầu được phát huy tích cực.
Chính phủ vẫn cần phải quyết liệt giảm chi phí cho DN. Bên cạnh những yếu tố chi phí ngắn hạn như giãn, giảm thuế, phí, lệ phí, cắt giảm phí giao thông… cần tính đến giảm chi phí dài hạn, ví dụ như lãi suất vay dài hạn cần phải giảm. Nguyên Viện trưởng CIEM -TS Nguyễn Đình Cung