Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Biến thách thức thành thời cơ

Thắng Văn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị “Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng với biến đổi khí hậu” với quy mô lớn nhất từ trước tới nay, diễn ra trong hai ngày 26 - 27/9 tại TP Cần Thơ được coi như một “Hội nghị Diên Hồng” tìm giải pháp chiến lược cho “vựa lúa, vựa cá tôm” của cả nước trước bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng sâu sắc và khốc liệt.

Đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị, lắng nghe các kiến giải được nhiều chuyên gia quốc tế đánh giá là thông điệp mạnh mẽ khẳng định Việt Nam đã chủ động, sẵn sàng, quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu, biến bất lợi thành lợi thế, nguy cơ thành thời cơ.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một trong những vùng kinh tế quan trọng, đóng góp tới 54% sản lượng lúa cả nước, 70% sản lượng thủy sản nuôi trồng và 37% sản lượng trái cây. Trong thành tích nổi bật xuất khẩu hơn 30 tỷ USD của toàn ngành nông nghiệp hàng năm có sự đóng góp chủ lực của khu vực này. Tiềm năng, trù phú là thế, song những năm qua, cùng với sự cộng hưởng từ hoạt động khai thác kinh tế bất hợp lý, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang tác động sâu sắc tới vùng đất này, đe dọa mùa màng, thu hoạch của nông dân ĐBSCL.

Dẫn chứng từ Bộ NN&PTNT cho thấy, thời gian qua, hạn, mặn xảy ra liên miên dẫn tới tình trạng không đủ nước ngọt để trồng lúa. Chưa hết, sự thay đổi bất thường của thời tiết, khí hậu còn làm cho khung thời vụ trở nên lạc hậu, thể hiện rõ nhất là 17.000ha lúa Đông Xuân 2016 - 2017 bị bệnh sâu năn ở Kiên Giang, Cần Thơ do ảnh hưởng nền nhiệt thấp và mưa sớm. Đặc biệt, với tốc độ sạt lở bờ biển như hiện nay đã làm cho diện tích rừng ngập mặn suy giảm khá nhanh, hiện chỉ còn khoảng 63.000ha, khiến cho “chiếc áo giáp” phòng hộ hệ sinh thái trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Sau hai ngày diễn ra hội nghị với nhiều phiên thảo luận sôi nổi, những thách thức của BĐKH đối với sự phát triển bền vững của ĐBSCL đã được nhìn nhận, đánh giá một cách khá toàn diện. Bình tĩnh đón nhận những tác động không thể tránh khỏi ấy, đa số các ý kiến đều nhấn mạnh tới giải pháp ứng phó là cần có sự thống nhất của cả hệ thống chính trị và hành động tổng lực với phương châm bao trùm là “chủ động, tích cực, linh hoạt thích ứng”. Theo đó, phải coi mặn, lợ, khô, ngập úng cũng là tài nguyên để phát triển, phát huy những lợi thế, kết hợp với cách mạng công nghiệp 4.0 để biến biến bất lợi thành lợi thế.

Những quan điểm ấy cũng chính là thông điệp mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc muốn khẳng định: “Chúng ta không hoảng hốt mà cần tìm ra lối đi, cách làm tốt nhất, khoa học nhất, trong đó đổi mới tư duy, hành động của hệ thống chính trị”. Dẫn chứng nhiều bài học từ các nước như Hà Lan, Israel, Thủ tướng cũng cam kết kiến tạo cơ chế thuận lợi, huy động sự tham gia của mọi người dân, DN và các đối tác quốc tế để phát triển bền vững ĐBSCL trong bối cảnh BĐKH, từ đó biến thách thức thành thời cơ. Tin tưởng rằng với thông điệp mạnh mẽ này, chúng ta sẽ từng bước có những giải pháp bền vững ứng phó với BĐKH, không chỉ riêng với ĐBSCL mà còn phạm vi cả nước.