Mua thịt trâu bán thịt bò
Ngày 2/4, đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm huyện Củ Chi đã kiểm tra cơ sở kinh doanh thịt trâu Ấn Độ nhập khẩu của bà Nguyễn Thị Thủy (ấp Trạm Bơm, xã Tân Phú Trung, Củ Chi). Tại đây, Cơ quan chức năng đã phát hiện 2.207kg thịt trâu đông lạnh Ấn Độ đựng trong các kiện hàng. Trong đó, có 1.033kg thịt bắp, gân dựng và 1.174kg thịt pha lóc. Ngoài ra, đoàn kiểm ta còn phát hiện thêm 8 bịch huyết tươi của heo, trọng lượng 5kg để nhúng thịt trâu vào trước khi bán với mục đích cho thịt tươi.
Số thịt trâu đã được “phù phép” thành thịt bò, bà Thủy đem cung cấp cho các tiểu thương ở chợ Tân Phú Trung (Củ Chi) và các quán ăn để hưởng lợi nhuận chênh lệch. Được biết, cơ sở này hoạt động nhiều tháng nay, trong quá trình kiểm tra bà Thủy không xuất trình được giấy phép kinh doanh và giấy chứng nhận kiểm dịch không hợp lệ.
Một thùng thịt trâu biến thành thịt bò bị phát hiện tại cơ sở kinh doanh thịt trâu Ấn Độ nhà bà Nguyễn Thị Thủy.
|
Sau khi lập biên bản xử phạt hành chính, trạm Thú y huyện Củ Chi đã chuyển hồ sơ vụ việc cho Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh xử lý. Đồng thời chuyển toàn bộ lô thịt trâu về kho lạnh Liên Hiệp (Q.Tân Phú) bảo quản, chờ kết quả xét nghiệm xử lý.
Theo quan sát của PV báo Kinh tế và Đô thị, tình trạng mua bán thịt trâu giả bò khá dễ thấy tại các chợ truyền thống ở TP Hồ Chí Minh. Nhiều cơ sở tìm mọi cách qua mắt người tiêu dùng bằng việc sử dụng hóa chất gia vị tẩm ướp biến thịt trâu thành bò khô,...
Bất chấp xử phạt, các cơ sở liên tiếp vi phạm
Đây không phải là lần đầu thịt trâu “đóng mác” thịt bò bị cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện. Trước đó, một số công ty cũng bị xử phạt vì hành vi kinh doanh thịt trâu gắn mác thịt bò.
Đầu năm 2015, nghi vấn trên 26.000 tấn thịt trâu nhập khẩu từ Ấn Độ và một số nước khác vào Việt Nam qua tờ khai hải quan (năm 2014) đều được “hô biến” thành thịt bò đã làm dậy sóng dư luận.
Gần đây, ngày 3/2/2016, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh Bình Thuận đã bắt giữ lô hàng tổng cộng có 300kg thịt và xương trâu Ấn Độ, không có giấy tờ hợp lệ của bà Trần Thị Thu Hương (ngụ tại xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam). Xương thịt trâu khi được phát hiện đã bốc mùi hôi thối và có giòi lúc nhúc.
Mỗi kg thịt trâu Ấn Độ này có giá dưới 100.000 đồng, sau khi “hóa phép” bằng cách lấy tiết bò, tiết heo bôi lên thì bán ra thị trường với giá thịt bò gần 300.000 đồng/kg. Chi cục quản lý thị trường (Sở Công Thương Bình Thuận) đã xử phạt hành chính 50 triệu đồng đối với bà Trần Thị Thu Hương.
Ngày 7/1, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an TP Hồ Chí Minh phối hợp với Đội QLTT Hóc Môn và Trạm Thú y huyện Hóc Môn kiểm tra cơ sở sơ chế sản phẩm động vật không phép trên đường Dương Công Khi (ấp 4, xã Xuân Thới Sơn) của bà Nguyễn Thị Thạnh (SN 1962).
Tại đây, lực lượng chức năng bắt quả tang cơ sở có hành vi nhúng thịt trâu Ấn Độ, nhãn hiệu Allana vào hóa chất Sodio Metabisolfito HP. Đây là một loại phụ gia thực phẩm nhưng chỉ được sử dụng trong nhóm rau quả, tinh bột chứ không được phép dùng trong sản phẩm thịt theo quy định của Bộ Y tế. Thịt trâu sau khi được nhúng hóa chất trên có màu bắt mắt như thịt bò.
Trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị, một lãnh đạo của Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh cho biết: “Thời gian tới, QLTT TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tổng rà soát các công ty nhập khẩu thịt trâu trên địa bàn và phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan rà soát, theo dõi các công ty có tạm nhập tái xuất thật hay không. Việc nhập tiêu dùng trong nội địa phải công khai minh bạch, bán cho ai, bán gì phải có chứng từ. Lực lượng QLTT TP Hồ Chí Minh cũng sẽ phối hợp, mở rộng điều tra ngăn chặn tái diễn tình trạng trên”.