Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Biến tướng tín ngưỡng thờ Mẫu lại dậy sóng

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong cuộc hội thảo “Bảo tồn phát huy giá trị di tích, lịch sử, văn hóa Thủ đô Hà Nội” diễn ra ở Hà Nội mới đây, GS Lê Hồng Lý lại một lần nữa khơi lại những bất cập của tín ngưỡng thờ Mẫu sau gần 2 năm được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Hà Nội là địa phương thứ 2 (sau Nam Định) tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đang được phổ biến một cách rộng rãi và nổi bật nhất. Tuy nhiên, sau khi được vinh danh, việc thực hành tín ngưỡng đang biến tướng không phanh.
Khắp nơi thực hành nghi lễ

Kết quả kiểm tra sơ bộ của Sở VH&TT Hà Nội chỉ ra, sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trên địa bàn Hà Nội diễn ra ở hầu khắp các quận, huyện, thị xã với khoảng hơn 1.900 đền, điện thờ Mẫu ở mỗi tư gia. Trong khi đó, theo điều tra của Viện Nghiên cứu tôn giáo, đã có 83 ngôi đền, phủ thờ Mẫu ở Hà Nội (khi chưa mở rộng). GS Lê Hồng Lý cho biết, một thực tế là ngày nay thực hành tín ngưỡng Tam, Tứ phủ diễn ra không chỉ còn tại các đền phủ nổi tiếng, quy mô lớn, mà có thể diễn ra tại chùa, đền, đình, miếu, trong điện tư gia, những nơi mà trước đây rất hạn chế những hoạt động này. Thậm chí, việc đem nó đến các cuộc khai mạc các hội nghị, hội chợ hay sự kiện… lại làm mất đi những giá trị chân thực của nó.
Năm 2017, Liên hoan tín ngưỡng thờ Mẫu Hà Nội thu hút sự tham gia của cả các thanh đồng đến từ các tỉnh, thành (trong ảnh: Thanh đồng Trần Kim Huệ, trông coi Phủ Tiên Hương (Phủ Dầy, Nam Định). Ảnh: Linh Anh
Hiện nay, việc thực hành nghi thức hầu đồng đang bị biến tướng nghiêm trọng. Hiện tượng hầu đồng mọi lúc, mọi nơi, từ hầu Tứ phủ trong Phủ Trần Triều, hầu đồng tại các chùa, đình và các sư tham gia hầu đồng. Tại các đền to, phủ lớn, trong các dịp lễ thường hầu đồng ở mọi ban, thậm chí cả ngoài sân, bật loa đài hết cỡ.

"Hầu đồng vốn chưa có quy định, khuôn mẫu cố định. Những tranh luận về nghi lễ hầu đồng cũng có nhiều ý nghĩa khác nhau: “Vấn đề đặt ra là kế thừa như thế nào, chọn thời điểm nào... Chúng ta cần thái độ phê phán, góp ý và tiếp thu để đi đến đồng thuận, tránh đao to búa lớn, quy chụp. Trên hết vẫn là ý thức trách nhiệm và kiến thức của các thanh đồng, cung văn với nghi lễ truyền thống, bởi họ là những người thực hành và nắm giữ nghi lễ, giới thiệu giá trị văn hóa của Việt Nam." - TS Nguyễn Thị Yên - Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam


"Hà Nội cũng cần có một chương trình kiểm kê riêng với loại hình di sản này. Cần xác định nhóm đồng nòng cốt, tham gia vào việc xây dựng tiêu chí để nhận diện những người đang thực hành tín ngưỡng thờ mẫu. Họ sẽ tham gia nhận diện giá trị, quy trình thực hành, nhận diện những biến đổi, nguy cơ đang làm sai lệch các giá trị văn hóa, nghệ thuật của di sản cũng như đề xuất, quyết định hình thức bảo vệ di sản này ở các phương diện khác nhau." - TS Lê Thị Minh Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, Hội Di sản văn hóa Việt Nam

Bên cạnh đó, sự bùng phát trình đồng, mở phủ cũng dẫn đến sự biến đổi trong hàng ngũ con nhang, đệ tử. Nhiều người sau 3 năm, thậm chí có người mới “ra đồng” một năm đã “đẻ đồng”, tự phong cho mình là “đồng thầy”.

Thực tế cho thấy, sự phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết. GS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Việt Nam nhận định: “Nghi lễ lên đồng ở đô thị có những khác biệt với nông thôn, đó là tính cung đình hóa, đô thị hóa, thể hiện trong kiến trúc, trang trí đền, phủ, lễ phục, dâng đồ cúng… Tính thương mại và vụ lợi cũng thể hiện trong hình thức ban phát lộc, cung cách cầu xin của con nhang đệ tử”. Cũng theo GS Ngô Đức Thịnh, mấy chục năm trước việc hầu đồng còn “sạch”, chỉ diễn ra tùy tâm biện lễ, quần áo cũng đơn giản. Giờ thì mọi thứ đã thay đổi nhiều giá đồng người ta còn mang yếu tố thời trang vào lễ phục lên đồng, đưa bài hát mới, không liên quan gì đến những ca khúc cổ vào các giá đồng. Đơn cử như các bài hát “Hôm qua em đi chùa Hương”, “Hoa đẹp Chăm pa”… đã làm sai lệch các lễ thức trong đạo Mẫu.

Không khắt khe với di sản

Hà Nội là địa phương đầu tiên tổ chức được các Liên hoan tín ngưỡng thờ Mẫu nhằm định hướng đúng giá trị của hầu đồng. Sau mỗi buổi, Ban tổ chức cùng các thanh đồng trao đổi, góp ý về chuyên môn, với đội cung văn về lời ca, âm nhạc nhằm bảo tồn, phát huy nét đẹp trong nghi lễ hầu đồng cổ truyền và những đổi mới phù hợp với xã hội đương đại. Cụ thể, về trang phục áo mũ, đạo cụ, nghi thức, lời ca, âm nhạc… Ngày cuối cùng của Liên hoan, sau lễ hầu tạ, Ban tổ chức đã dành thời gian trao đổi chung với các thanh đồng và các đội cung văn.

Năm 2017, Sở đã tiếp nhận 11 hồ sơ trong lĩnh vực thờ Mẫu (trong đó có 11 thanh đồng và 1 hát văn) để trình Thủ tướng phê duyệt, công nhận là nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể. Ông Tiến cho hay, 2 năm trước, ông đã nhấn mạnh việc thực hành đúng chuẩn mực. Chuẩn mực đó được các nhà khoa học, thanh đồng công khai để tập huấn cho những người mới làm nghề, tránh những biến tướng đang nở rộ. Trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 5.922 di tích, nhưng không phải ở đâu cũng có thể thực hành, ở chùa nào cũng có ban Mẫu… Và sau một vài lần tổ chức Liên hoan tín ngưỡng thờ Mẫu, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trương Minh Tiến thừa nhận: “Chúng ta phải nghiên cứu việc sáng tạo trong thờ Mẫu như thế nào để không phản cảm”.

Hà Nội tính cách quản lý đặc thù

Có thể thấy để giải quyết những bất cập này cần có sự điều tra nghiên cứu một cách bài bản tất cả những di tích có liên quan và diễn ra thực hành tín ngưỡng để có cơ sở dữ liệu cho việc quản lý. “Ngoài Luật Di sản và những nghị định của Nhà nước, Hà Nội nên có một số quy chế cụ thể dựa trên điều kiện của địa phương. Trong đó, vai trò của chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội rất quan trọng trong việc nắm bắt tình hình trên địa bàn để có thể kịp thời ứng phó…” – GS Lê Hồng Lý cho biết. Cùng với đó, đề cao vai trò của những chủ đền, nhất là những người nổi tiếng có uy tín trong giới và những “con nhang, đệ tử” để tạo được ảnh hưởng của họ đối với việc thực hành tín ngưỡng một cách bài bản. Mặt khác ở góc độ chính quyền cơ sở, cơ quan quản lý Nhà nước kiên quyết với những thực hành trái đạo lý truyền thống để ngăn chặn, như vậy sẽ tạo ra được môi trường lành mạnh cho hoạt động này trên địa bàn.

Bên cạnh đó, khái niệm tổ chức liên hoan nhưng để học tập và phổ biến những giá trị nhân văn nghệ thuật chứ không phải đua tranh giữa các ông đồng bà đồng, vì mỗi người có những khả năng và đặc sắc riêng của mình, tránh tạo nên sự dập khuân một chiều… khuyến khích sự sáng tạo. TS. Lê Thị Minh Lý thẳng thắn bày tỏ: Cơ quan quản lý cần đánh giá lại và định hướng các hoạt động trình diễn, trao giấy khen, bằng khen như hiện nay. Bởi đã là di sản văn hóa phi vật thể thì nguyên tắc đầu tiên là tôn trọng và giữ gìn sự đa dạng văn hóa, không bao giờ có sự thi thố, cạnh tranh trong các dịp lễ hội, liên hoan.

Với sự vào cuộc của tất cả hệ thống và toàn thể xã hội, Hà Nội có thể là nơi phát huy tốt nhất những giá trị của di sản này. Bởi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu không chỉ là tín ngưỡng của người dân mà còn như một sản phẩm du lịch tâm linh thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Mặt khác đáp ứng được nhu cầu gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc qua thực hành tín ngưỡng này.