Biến vùng đất hoang hóa thành khu sinh thái miệt vườn để đền đáp quê hương

VIỆT HÀ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lớn lên với tuổi thơ lam lũ, một người con của vùng đất Giai Xuân, Phong Điền, TP Cần Thơ sau khi lập nghiệp thành công đã trở về xây dựng nhiều công trình giao thông nông thôn; đặc biệt là đầu tư một công viên sinh thái miệt vườn để phục vụ miễn phí cho người dân. Mục đích của việc làm này chỉ để đền đáp nơi “chôn nhau cắt rốn”.

Xã Giai Xuân, huyện Phong Điền là một địa phương vùng ven của TP Cần Thơ được xem là cái nôi của nền văn minh miệt vườn bên bờ sông Cần Thơ, với nhiều con rạch kết nối.
Ngày xưa cha ông đi vào khẩn hoang, đất vùng này còn hoang hóa, có nhiều láng, lung, mương, bưng, đìa,... thế nhưng bây giờ đây đã là một xã nông thôn mới nâng cao với những con đường nhựa, đường bê tông thẳng tắp, nhà cửa khang trang.
Công viên sinh thái miệt vườn do ông Nguyễn Ngọc Lang xây dựng - Ảnh: Việt Hà.
Điểm nhấn của xã Giai Xuân được biết đến có công trình công viên sinh thái do ông Nguyễn Ngọc Lang (53 tuổi, ngụ xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ – Tổng Giám đốc Công ty mỹ phẩm Đăng Dương tại TP Hồ Chí Minh) đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, điểm đặc biệt là công trình này được hình thành để phục vụ miễn phí cho người dân trong và ngoài địa phương.
Ông Nguyễn Ngọc Lang chia sẻ: “Ngày xưa tôi sinh ra và lớn lên ở đây “quê hương là chùm khế ngọt”. Sau khi, kinh doanh lập nghiệp ở TP Hồ Chí Minh cũng được số ít tiền nên tôi muốn đem về để đóng góp làm cho địa phương sung túc lên, dân mình đỡ vất vả. Thứ nhất là làm đường sá cho bà con thuận tiện đi lại, giao thương mua bán, vận chuyển nông sản, học sinh đi học cũng dễ dàng. Thứ hai, là có nơi để thư giãn, sinh hoạt chung sau những giờ mệt nhọc với ruộng nương, vườn tược”.
Ông Lang cũng vợ là bà Lê Thị Truyền trên con đường quê mới xây - Ảnh: Việt Hà.
Theo người con của Giai Xuân, ngày xưa mới học hết lớp 4 ông đã phải nghỉ học để theo mẹ đi làm đồng, đường đi sình lầy vô cùng vất vả. Năm 1992, ông cưới vợ, rồi ra riêng cất căn nhà lá tạm bợ, vợ chồng làm vườn, làm ruộng sống qua ngày. Với ý chí muốn vươn lên thoát nghèo và quay về giúp bà con quê mình đỡ lam lũ vất vả. Năm 2000 ông lên TP Hồ Chí Minh thuê nhà trọ lập nghiệp. Công việc thuận lợi, có của ăn của để, năm 2012 ông Lang trở về quê đóng góp xây dựng hàng chục công trình giao thông nông thôn, hỗ trợ địa phương chăm lo an sinh xã hội cho đến nay.
Chiếc vó - dụng cụ bắt cá ở miền Tây được tái hiện lại tại công viên sinh thái này - Ảnh: Việt Hà.
“Ngày trước ở đây hoang sơ lắm, 2 nhà chỉ cách con rạch nhỏ thôi là không thấy nhau. Giao thông bằng đường thủy là chính, đường bộ là đường đất ruộng cây cối um tùm. Chỉ riêng việc thuê người, máy móc đến phát quang thôi cũng mất thời gian mấy tháng trời. Rồi đất ruộng không có đường thì phải lấy đất dưới sông đắp lên thành đường, rồi làm bờ kè. Từ khoảng tháng 4/2021, tôi bắt đầu khởi công xây dựng con đường này dài khoảng 2km đấu nối để đường từ ấp lên xã được thông suốt” – ông Lang cho hay.
Vùng đất hoang hoá đã được “phù phép” thành khu sinh thái nông nghiệp miệt vườn hoàn toàn miễn phí; có ao sen, hồ nuôi cá, trồng hoa, thiết bị dụng cụ cho bà con tập thể dục, hệ thống đèn đường chiếu sáng, rẫy trồng rau,...
Vùng đất ven TP Cần Thơ sầm uất được nhiều bạn trẻ tìm đến tham quan, check in - Ảnh: Việt Hà.
Hồ sen tái hiện lại các lung, láng, đìa,...sen tự nhiên ngày xưa của vùng Giai Xuân - Ảnh: Việt Hà.
Rảo bước trên con đường mới xây, ông Lang bộc bạch: “Đây là những việc mà tôi muốn làm để xây dựng quê hương chứ không ai vận động, ép buộc gì hết. Mình đi lập nghiệp, kiếm tiền từ nơi khác về đây để phục vụ quê hương nơi mình khôn lớn là đủ rồi, chứ không muốn kiếm từ quê hương nữa. Vì vậy các công trình ở đây tôi làm để cho con tự do sinh hoạt chung; rẫy rau trồng đó, ai có nhu cầu ăn thì cứ đến hái đem về hoặc có dụng cụ bắt cá, ai cần thì đến sử dụng”.
Rẫy trồng rau cho người dân tự do hái - Ảnh: Việt Hà.
Hiện tại, công trình công viên sinh thái của ông Lang đang trong quá trình hoàn thiện với các hạng mục như: Đường giao thông, thảm hoa, ao cá, rẫy trồng rau, ao sen, hệ thống đèn đường,...sắp tới sẽ lắp thêm các thiết bị dụng cụ để người dân tập thể dục. Ngoài ra, ông còn dự kiến sẽ sẽ kí hợp đồng với công ty thu gom rác để thu gom miễn phí cho bà con. Vì ở vùng thôn quê, hiện tại xe rác chưa vào đến nơi được, người dân vẫn còn thói quen vứt rác xuống sông gây ô nhiễm môi trường, mà địa phương chưa có phương án thực hiện việc này, đó là điều ông Lang trăn trở.
Bà Ngô Thị Bé Sáu (54 tuổi, ngụ ấp Tân Hoà, xã Giai Xuân) phấn khởi nói: “Tôi lấy chồng về đây 32 năm rồi. Hồi đó, đường sá ở đây đi lại cực khổ lắm. Tội nhất là mấy đứa nhỏ đi học. Một chiếc xuồng mà đưa chừng chục đứa đi học, chứ không có đường bộ để đi; rồi đi chợ búa, buôn bán cũng trần ai. Nhưng bây giờ được cái đường với cảnh quan đẹp như vậy người dân tụi tôi mừng lắm. Từ khi nghe nói ông Lang chuẩn bị xây đường là mừng ngủ không được luôn”.
Một tuyến đường dài 5km được ông Lang xây dựng trước đó - Ảnh: Việt Hà.
Đến tham quan con đường mới, điểm nhấn nông thôn mới nâng cao của xã Giai Xuân, Soạn giả Nhâm Hùng nhận xét: “Đây là ý tưởng mới lạ, mang ý nghĩa xã hội tích cực. Ông Nguyễn Ngọc Lang đã mạnh dạn, dám bỏ vốn đầu tư để xây dựng thành mô hinh sinh thái về nông nghiệp, không chỉ nhắc nhớ khung cảnh quê hương xưa cho những thế hệ trước, mà các bạn trẻ thời nay cũng thích thú tìm đến tham quan, chụp ảnh. Bản thân tôi khi tới đây cũng cảm thấy vô cùng thoải mái với không gian mênh mông, yên lành. Qua đó, nó sẽ bồi dưỡng cho con người tinh thần sáng tạo, tăng thêm nguồn năng lượng, sức sống mới. Thay vì kinh doanh du lịch, bán vé như những nơi khác thì ở đây, ông Lang không thu tiền, chỉ để phục vụ giải trí cho bà con, điều đó rất quý. Tôi mới nhớ lại đời xưa, ở vùng Phong Điền này cũng có một ông tên là ông Cả Lang rất giàu có. Ông này đã bỏ tiền ra làm vườn thú, rạp hát, xây dựng cầu đường để nhằm mục đích làm nghĩa, phục vụ cho bà con trong vùng. Có thể nói, ý tưởng của ông Lang cũng rất tình cờ giống ý tưởng của người xưa”.
Ông Huỳnh Việt Cường - Bí thư, Chủ tịch UBND xã Giai Xuân thừa ủy quyền trao tặng bằng khen của Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho ông Nguyễn Ngọc Lang - Ảnh: Việt Hà.
Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Việt Cường - Bí thư, Chủ tịch UBND xã Giai Xuân cho biết, từ năm 2012 đến nay, qua gần 10 năm, ông Nguyễn Ngọc Lang đã đóng góp cho xã Giai Xuân xây dựng các con đường giao thông nông thôn ngang 3 – 4m, dài hơn 15km, với tổng kinh phí xây dựng gần 16 tỉ đồng. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho xã phát triển về kinh tế - xã hội, giao thương hàng hoá, học sinh đi lại cũng dễ dàng. Ngoài ra, dịp Tết hàng năm, ông Lang cũng hỗ trợ cho bà con nghèo cận nghèo hơn 500 phần quà để bà con ăn Tết đầm ấm, an lành hơn.
“Đối với tiêu chí giao thông nông thôn, ông Lang đã giúp cho xã đạt tiêu chí về nông thôn mới nâng cao, vừa qua cũng được UBND TP Cần Thơ công nhận xã Giai Xuân đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đồng thời ngày 31/5/2021, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cũng đã trao tặng bằng khen cho ông Nguyễn Ngọc Lang vì đã có nhiều đóng góp trong công tác an sinh xã hội trên địa bàn” – ông Cường thông tin.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần