Ra đời từ trong khói lửa của phong trào vũ trang đô thị, lực lượng biệt động Sài Gòn-Gia Định, một bộ phận đặc biệt của Quân Giải phóng nhân dân Sài Gòn-Gia Định đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đánh địch ở nội thành Sài Gòn-thủ đô của chế độ Việt Nam Cộng hòa và các vùng ven, nhằm "đưa chiến tranh đến tận sào huyệt của kẻ thù".
Trong mùa Xuân 1975, trên đà thắng lợi chung của chiến trường, địch rơi vào thế tuyệt vọng chống đỡ, lực lượng biệt động Sài Gòn được biên chế, tổ chức thành nhiều tiểu đoàn vừa phối hợp với các đơn vị bạn chiến đấu, giữ cửa mở trên các hướng, hướng dẫn các cánh quân chủ lực tiến vào Sài Gòn, vừa phối hợp với địa phương phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền, góp phần to lớn vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Với sự mưu trí, dũng cảm và bằng nhiều cách đánh độc đáo, sáng tạo, lực lượng biệt động Sài Gòn-Gia Định đã cùng quân và dân thành phố Sài Gòn-Gia Định, lập nên nhiều chiến công xuất sắc trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Nữ biệt động Sài Gòn trong ngày giải phóng 30/4/1975. Ảnh tư liệu.
|
Sau mùa khô 1974-1975, ngày 27/1/1975, Quân ủy và Bộ tư lệnh Miền họp để quán triệt quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị trong Nghị quyết tháng 1/1975 và bổ sung, điều chỉnh kế hoạch cụ thể đợt hai mùa khô 1974-1975 của B2 cho phù hợp với kế hoạch chung và tình hình phát triển vượt bậc trên chiến trường. Ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và du kích liên tục tấn công địch, giải phóng chi khu Dầu Tiếng, thị xã An Lộc, chi khu Chơn Thành, chi khu Định Quán, Di Linh...
Tại mặt trận Sài Gòn-Gia Định, kết quả tấn công đợt 1 mùa khô 1974-1975 đã san bằng nhiều đồn bốt, phân chi khu quân sự, diệt nhiều sinh lực, buộc địch phải co về phòng thủ. Ta mở thêm nhiềm lõm căn cứ du kích, tạo thế đứng chân sát địch ở Gò Vấp, Tân Bình, Tân Chánh, Nhà Bè và Thủ Đức.
Lực lượng biệt động của Sài Gòn-Gia Định gồm có Đoàn biệt động 195 có các đội: 1, 3, 4, 5 và các đội độc lập: 7, 8, 9, 11, Z15, Z17, V20, V22, Z16. Mỗi đội có biên chế tương đương cấp đại đội, nhưng quân số không đủ. Lực lượng bảo đảm có V16 (trước là A20) thọc sâu, bám trụ các bàn đạp cũ dọc theo trục lộ 2 và từ Gò Dầu, Trảng Bàng vào tới Hóc Môn, Gia Định, xây dựng thêm 10 cơ sở trạm nút trên các cửa khẩu. Đến tháng 3-1975, các đơn vị biệt động phát triển thành ba tiểu đoàn: 195, 197, 198 và 11 đại đội (60 tổ), triển khai thành hai hướng hoạt động chính là vùng Đông và Tây thành phố rồi phát triển vào nội đô Sài Gòn.
Cùng với lực lượng vũ trang toàn miền bước vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, lực lượng biệt động Sài Gòn-Gia Định liên tiếp tổ chức nhiều trận đánh bằng các phân đội nhỏ, các tổ biệt động. Chỉ tính từ tháng 12/1974 đến tháng 4/1975, các tổ, đội biệt động đã đánh 55 trận trong nội đô và 3 trận vùng ven, diệt hơn 100 tên địch, thu 4 súng, 1 máy thông tin và một số tài liệu quan trọng khác.
Giữa tháng 4/1975, lực lượng vũ trang thành phố Sài Gòn-Gia Định được giao nhiệm vụ: Phối hợp với lực lượng của miền tăng cường đánh chiếm các mục tiêu then chốt, kiên quyết, táo bạo, thọc sâu đánh chiếm cơ quan đầu não ấp, xã, phân chi khu, yếu khu, giữ vững và mở rộng đầu cầu, hiệp đồng với lực lượng cấp trên đánh chiếm thành phố Sài Gòn bằng tấn công vũ trang kết hợp với nổi dậy của quần chúng giành chính quyền. Trong đó, các đơn vị biệt động và lực lượng vũ trang tại chỗ được giao nhiệm vụ: Đánh chiếm và giữ các cầu trên trục đường vào thành phố, góp phần khống chế sân bay và các trận địa pháo của địch; làm nòng cốt cho quần chúng nổi dậy đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu được phân công; phối hợp với các binh đoàn chủ lực đánh chiếm và giữ các mục tiêu quân sự, chính trị, kinh tế của địch trong thành phố. Tiểu đoàn 195 được tăng cường cho Trung đoàn 1 Gia Định trên hướng tiến công Hóc Môn-ngã tư Bảy Hiền. Tiểu đoàn 197 tấn công vào quận 6, sẵn sàng phát triển, cắm cờ trên Dinh Độc Lập khi có thời cơ. Tiểu đoàn 198 cùng lực lượng địa phương đánh chiếm các mục tiêu quận 7, cầu chữ Y. Các đội biệt động lẻ đưa vào bên trong nội đô, làm nòng cốt cho phong trào quần chúng nổi dậy diệt ác, giành chính quyền về tay nhân dân và xây dựng chính quyền cách mạng sau khi giải phóng thành phố.
Trong lúc các binh đoàn chủ lực của ta triển khai từ năm hướng tiến nhanh về Sài Gòn, các đơn vị biệt động của thành phố đã bám chắc cửa mở, chiếm giữ các đầu cầu quan trọng, tham gia chế áp các trận địa pháo của địch, đánh chiếm một số vị trí then chốt, phối hợp và hỗ trợ quần chúng nổi dậy giành chính quyền, tiếp quản những mục tiêu chiếm được.
Ngày 29/4/1975, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 1 Gia Định giải phóng khu vực phân chi khu Xuân Thới Thượng và đồn Nhà Tô. Đến trưa 29/4, Tiểu đoàn 1 diệt xong căn cứ Bà Điểm, chuẩn bị đón Binh đoàn 232 vào thành phố từ hướng Tây. Nắm bắt thời cơ phát triển thuận lợi, Tiểu đoàn 195 biệt động và Tiểu đoàn 1 nhanh chóng phát triển về hướng Tây Ninh, bắt liên lạc với lực lượng cấp trên. Đến 9 giờ 45 phút, hai đơn vị đã phát triển đến lộ 1 và bắt liên lạc với lực lượng xe tăng của trên đang phát triển theo trục lộ 1 tại khu vực Quang Trung.
Trên hướng Nam-Tây Nam, Tiểu đoàn 197 biệt động tấn công địch ở khu vực Tân Kiên (Bình Chánh), áp sát lộ 4. Lúc 8h ngày 30/4, đơn vị từ cầu Bà Ngựa tiến qua An Lạc, chiếm lộ 4 (giáp lộ Đại Hàn). Phát hiện địch, tiểu đoàn nhanh chóng hình thành các mũi tiến công, nổ súng diệt hàng chục tên, bắt 14 tên, thu 450 súng các loại. Đến 9h30, thời cơ thuận lợi, toàn tiểu đoàn hành quân cơ giới phát triển vào mục tiêu Dinh Độc Lập, bỏ mục tiêu quận 6, theo lộ Lục Tỉnh, chạy đến đường Tổng Đốc Phước, qua Đồng Khánh, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi đến đường Tự Do (Đồng khởi ngày nay) tiến vào Dinh Độc Lập. Tại đây đã có đơn vị bạn, tiểu đoàn nhanh chóng chia thành hai mũi đánh chiếm trụ sở hạ nghị viện, công ty điện lực và một bốt cảnh sát.
Nữ chiến sĩ biệt động Nguyễn Trung Kiên dẫn đường cho Quân Giải phóng tiến công giải phóng Sài Gòn (tháng 4-1975). Ảnh tư liệu
|
Tiểu đoàn 198 biệt động (trong đội hình Trung đoàn Đặc công 429), cùng Tiểu đoàn 78, Trung đoàn Đặc công 429, đánh chiếm xã Bình Hưng, làm chủ bốt Ký Thủ Ôn, trục đường 5 (dài 3km), kiên cường đánh địch phản kích ở cầu Nhị Thiên Đường. Ta và địch chiến đấu giằng co quyết liệt ở bốt Ký Thủ Ôn và cầu Nhị Thiên Đường. Đến 14h ngày 30/4, ta mới làm chủ được hai mục tiêu này. Một bộ phận khác của tiểu đoàn phát triển qua các quận 7, 8 và tổ chức một đại đội bắt liên lạc với cánh bắc Trung đoàn Đặc công 429, sau đó chiếm giữ hãng Pin Con Ó, kho gạo Trung Hưng, kho súng, kho xăng Chợ Lớn và hãng sản xuất gạo sấy. Trong hai ngày 29 và 30/4, tiểu đoàn đã diệt một đại đội cảnh sát, đánh tan một trung đội giữ cầu Nhị Thiên Đường, giải tán toàn bộ bộ phận phòng vệ dân sự, thu vũ khí ở ba ấp 1, 2, 3 (xã Bình Hưng), thu hơn 100 súng các loại và nhiều quân trang, quân dụng.
Nhìn chung, các đơn vị biệt động tăng cường trên các hướng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh chiếm mục tiêu chốt các cửa mở và dẫn đường cho lực lượng cấp trên tiến vào giải phóng thành phố Sài Gòn-Gia Định. Nổi bật có nữ chiến sĩ biệt động Nguyễn Trung Kiên hướng dẫn Trung đoàn 24 đánh vào Sân bay Tân Sơn Nhất; nữ đồng chí Nguyễn Thị Thanh Tùng lãnh đạo quần chúng bao vây chiếm trụ sở quận 9; đồng chí Ba Minh, cơ sở trong lòng địch của Đội 5 biệt động, làm việc ở Văn phòng Bộ Tổng tham mưu Quân đội Sài Gòn đã ra đón và bàn giao toàn bộ cơ sở vật chất, thiết bị ở đây cho Quân Giải phóng.
Trên nhiều hướng, lực lượng biệt động đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đánh chiếm các cầu quan trọng, các căn cứ có giá trị bàn đạp trong trung tâm chiến dịch, hiệp đồng đắc lực với các binh đoàn thọc sâu vào trung tâm thành phố, góp phần nâng cao tốc độ tiến công của chiến dịch, trong đó có nhiều đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cụ thể, trong 14 cây cầu được giao, lực lượng biệt động cùng với lực lượng đặc công đã kiên cường chiến đấu và chiếm giữ được 12 cầu cho các binh đoàn chủ lực hành tiến qua. Trong số 7 căn cứ bàn đạp được giao, lực lượng biệt động Sài Gòn-Gia Định đã hoàn thành đánh chiếm được 6 căn cứ với mức độ khác nhau.
Đặc biệt, lực lượng biệt động đã đánh chiếm và đánh phá một số mục tiêu trong trung tâm. Chiến công nổi bật nhất là phối hợp với cơ sở nội tuyến gồm 17 người do đồng chí Vĩnh chỉ huy, cải trang thành lính Quân đội Sài Gòn vòng qua cổng 1 và cổng 2 Bộ Tổng tham mưu địch, tiến thẳng vào cổng 3, buộc toàn bộ chỉ huy và binh sĩ địch đầu hàng; cùng lực lượng Trung đoàn 28 (Sư đoàn 10, Quân đoàn 3) cắm lá cờ đầu tiên lên nóc trụ sở Bộ Tổng tham mưu Quân đội Việt Nam Cộng hòa và hướng dẫn chủ lực chiếm toàn bộ căn cứ quan trọng này.
Cùng với các mũi tiến công của các đơn vị bộ binh Thành đội Sài Gòn-Gia Định và các địa phương, lực lượng biệt động phối hợp cùng các đội công tác vũ trang, các đoàn thể trong các quận nội thành, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy Đảng tại chỗ, đã tỏa ra theo nhiệm vụ được phân công, làm nòng cốt và hướng dẫn các tầng lớp nhân dân, từ ngoại ô vào nội thành nổi dậy giành chính quyền tại chỗ, tấn công bằng chính trị, binh vận vào tất cả các lực lượng của địch, khiến chúng phải bỏ súng đầu hàng hoặc quay về với gia đình. Chỉ tính trong vòng hai ngày 29 và 30/4/1975, toàn thành phố có 107 điểm nổi dậy (31 điểm ở ngoại thành, 76 điểm ở nội thành).
Đúng 11h30 ngày 30/4/1975, cờ giải phóng tung bay trên Dinh Tổng thống chính quyền Sài Gòn, đánh dấu thời điểm kết thúc toàn thắng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Sau 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà, những chiến sĩ biệt động Sài Gòn-Gia Định người còn, người mất. Nhưng chắc chắn hình ảnh hào hùng về họ một thời xông pha trận mạc, chấp nhận hy sinh gian khổ để đất nước được độc lập, tự do sẽ còn sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam.