Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Biết sợ nhưng đừng hoang mang

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Như vậy, ngoài 2 trường hợp người Trung Quốc nhiễm virus Corona (nCoV) điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh, thì đến chiều qua, Việt Nam tiếp tục ghi nhận 3 trường hợp công dân người Việt dương tính với nCoV.

 Khu vực cách ly những bệnh nhân nghi nhiễm virus Corona
Có thể nói, những ngày qua, thông tin về loại virus Corona mới từ Vũ Hán (Trung Quốc) đang trở thành tâm điểm trên phạm vi toàn cầu. Là nước cận kề Trung Quốc, sự giao lưu thuận tiện, mỗi ngày có hàng nghìn khách Trung Quốc du lịch tại Việt Nam, thì nỗi lo của người dân về sự lây lan, bùng phát dịch là điều hiển nhiên.
Không lo sao được, khi số ca mắc tại Trung Quốc đang tăng chóng mặt lên tới gần 10.000 người và đã có gần 200 ca tử vong. Còn trong nước, tính đến thời điểm này đã có 5 ca mắc, và rất có thể chưa dừng lại ở đây, bởi hiện nay hàng chục người nghi nhiễm vẫn đang được cách ly tại các tuyến bệnh viện.
Nhìn lại mấy ngày qua, cả hệ thống chính trị vào cuộc, công tác phòng chống dịch rất khẩn trương, quyết liệt với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Tại cuộc họp đầu tuần này về phòng chống nCoV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ chấp nhận một số thiệt hại về kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân. Thủ tướng cũng đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về phòng, chống dịch bệnh nCoV và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không để dịch lây lan. Ngày 30/1, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã ký công văn về việc phòng, chống dịch bệnh nCoV. Trong đó, Ban Bí thư lưu ý, trong trường hợp cần thiết, tạm dừng các hoạt động tập trung đông người, các lễ hội, hội nghị, hội thảo để ưu tiên cao nhất phòng, chống dịch.
Đối với ngành y tế, triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, kích hoạt toàn bộ hệ thống giám sát, điều trị, sẵn sàng mọi tình huống chống dịch. Nhiều chuyên gia nhận định, ngành y tế Việt Nam đã có kinh nghiệm chống dịch thành công với nhiều vụ dịch lớn, kể cả dịch SARS năm 2003. Nếu không may dịch nCoV lan rộng, ngành y tế hoàn toàn đủ khả năng đáp ứng và khống chế hiệu quả. Và việc điều trị thành công ca bệnh nCoV vừa qua tại BV Chợ Rẫy thêm một minh chứng cho năng lực ngành y tế Việt Nam. Ca bệnh điển hình này vừa được công bố trên tạp chí y học uy tín bậc nhất thế giới NEJM.
Tuy nhiên, việc phòng chống dịch còn phụ thuộc vào ý thức người dân, mỗi người cần tuân thủ tốt các hướng dẫn của Bộ Y tế. Người dân biết sợ dịch để chủ động phòng tránh, chứ không nên sợ dịch đến mức hoang mang, mê muội, truyền tai nhau những "fake news" - tin giả. Thực tế, những ngày qua, nhiều thông tin như: Bệnh nhân nhiễm virus Corona tại Bệnh viện Chợ Rẫy tử vong; bệnh nhi 10 tuổi tử vong ở Khánh Hòa nhiễm virus Corona; ca tử vong người Trung Quốc tại Đà Nẵng rất đáng ngờ; hay những thông tin xuất hiện bệnh nhân nhiễm Corona ở các tỉnh, thành đăng tải trên mạng xã hội khiến nhiều người sợ hãi… Nhiều người có những hành động chưa đúng với khuyến cáo, thậm chí tiêu cực như tìm mua bằng được khẩu trang đặc chủng, đeo khẩu trang suốt cả ngày lẫn đêm, đóng cửa không dám ra khỏi nhà, cho con nghỉ học vì sợ lây nhiễm. Chưa hết, có người còn truyền tai nhau "bài thuốc dân gian", đó là ngủ dậy mỗi sáng uống nửa cốc nước tiểu do chính mình thải ra để phòng bệnh…
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân cần bình tĩnh, phòng bệnh đúng cách, không quá hoang mang, lo lắng, không nên tin vào những nguồn tin không chính thống. Dịch bệnh có lan rộng, bùng phát hay không, là nhờ một phần vào chính ý thức phòng bệnh đúng cách của mỗi người dân.