Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Biểu giá điện mới phải hài hòa các lợi ích

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Biểu giá điện mới không làm tăng giá bán lẻ điện sinh hoạt, đó là khẳng định của Bộ...

Kinhtedothi - Biểu giá điện mới không làm tăng giá bán lẻ điện sinh hoạt, đó là khẳng định của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại buổi tọa đàm "Giá bán lẻ điện: Hài hòa lợi ích các bên" do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức chiều 29/9.

Trước việc EVN công bố dự thảo Đề án "Cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện", trong đó đưa ra 3 phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt năm 2016 - 2017. Xung quanh đề xuất này, có rất nhiều ý kiến người dân, DN và chuyên gia phản biện: Căn cứ nào để EVN xây dựng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt? Biểu giá này có bám sát giá thị trường không và có tính đến lợi ích của người tiêu dùng, DN hay không...?

 
Công nhân EVN HANOI ứng dụng công nghệ mới trong việc ghi chỉ số     công tơ của khách hàng.      Ảnh: Thế Đông
Công nhân EVN HANOI ứng dụng công nghệ mới trong việc ghi chỉ số công tơ của khách hàng. Ảnh: Thế Đông
Trước những câu hỏi này, ông Hoàng Văn Tùy - Phó ban Tài chính kinh doanh EVN cho biết: 3 phương án mà ngành điện đưa ra xin ý kiến rộng rãi chỉ nhằm giảm bớt những bất cập hiện nay trong việc thanh toán tiền điện với khách hàng, qua đó đảm bảo quyền lợi của số đông người tiêu dùng. Đây là đề án nghiên cứu nên phải đưa ra các phương án khả thi nhất cũng như đánh giá ưu, nhược điểm của từng phương án để chọn phương án tối ưu. Bộ trưởng Bộ Công Thương đã giao cho EVN phối hợp với Cục Điều tiết Điện lực để đánh giá biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt với mục tiêu là đại đa số hộ nghèo, hộ thu nhập thấp được thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Về vấn đề này, GS.TS Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hiệp hội Điện lực Việt Nam cho rằng: Việc EVN tính toán bao nhiêu bậc thang trong biểu giá bán điện không quan trọng, điều quan trọng hơn cả là việc Bộ Công Thương cần tính lại bước giá giữa các bậc thang sao cho hợp lý. "Bộ Công Thương nên gộp 2 bậc thang đầu tiên lại để những hộ sử dụng điện từ 100 kWh trở xuống được hưởng những chính sách ưu đãi về giá điện mà Chính phủ đã ban hành. Trong khi những hộ sử dụng quá cao, trên 700 kWh sẽ có một biểu giá riêng" - GS.TS Trần Đình Long nêu ý kiến.

Trước những ý kiến đưa ra, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (ERAV - Bộ Công Thương) cho biết, sau khi lấy ý kiến, Bộ Công Thương và EVN sẽ đưa ra phương án mới theo hướng bảo đảm giá bán điện cho từng bậc cao hơn giá thành sản xuất, kinh doanh điện; Khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm cũng như nâng cao tính công khai, minh bạch trong việc thực hiện giá bán điện và giảm bù chéo giữa các đối tượng khách hàng. Liên quan đến việc các tập đoàn kêu lỗ hàng ngàn tỷ đồng do thay đổi tỷ giá, theo ông Tuấn, tỷ giá chỉ là 1 trong 4 yếu tố xem xét điều chỉnh giá điện (bao gồm cơ cấu nguồn huy động, giá nhiên liệu, chi phí mua điện và tỷ giá). "Nếu cả 4 yếu tố trên thay đổi với mức tăng trên 7%, Bộ Công Thương mới xem xét đến phương án điều chỉnh giá và thời gian để xem xét sẽ là 6 tháng" - ông Tuấn nói. Trong tháng 9/2015, EVN sẽ hoàn chỉnh việc tổ chức hội thảo ở 3 miền về đề án cải tiến cơ cấu biểu giá. Trên cơ sở ý kiến góp ý tại hội thảo của các bộ, ngành, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu kinh tế, EVN sẽ hoàn thiện đề án, gửi ERAV để trình Bộ Công Thương thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 
Ngày 29/9, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) đã Ký kết thỏa ước tài trợ với mục đích chuyển giao kinh nghiệm phân phối điện của Pháp cho EVN. Theo đó, EDF mong muốn phát triển quan hệ đối tác kỹ thuật với EVN Hà Nội và EVN NPC. EDF IN dự kiến chuyển giao kiến thức và kinh nghiệm nhằm triển khai phương pháp luận về quy hoạch các mạng lưới phân phối và tối ưu hóa đầu tư. EDF IN sẽ cung cấp một tổng sơ đồ cho 2 khu vực thử nghiệm, được chọn lựa cùng với hai đơn vị phân phối. Thông qua các dự án thí điểm này, các đối tác mong muốn tối ưu hóa các khoản đầu tư mạng lưới điện của Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu về năng lượng của Việt Nam tăng trưởng nhanh với mức tăng dự kiến từ 5 - 10% trong những năm tới.