Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Biểu tình bạo lực lan rộng, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina từ chức

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina được cho là đã rời khỏi đất nước khi những người biểu tình chống chính phủ tuyên bố sẽ diễu hành đến thủ đô Dhaka để yêu cầu bà từ chức vào ngày 5/8.

Thủ tướng Sheikh Hasina. Ảnh: Skynews
Thủ tướng Sheikh Hasina. Ảnh: Skynews

Theo hãng tin Reuters, quân đội Bangladesh ngày 5/8 cho biết, Thủ tướng Sheikh Hasina đã từ chức và sang Ấn Độ tìm "nơi  trú ẩn an toàn" sau khi làn sóng biểu tình bạo lực bùng phát trở lại trong những ngày gần đây.

Trong ngày 5/8, bà Hasina và chị gái đã di chuyển đến Ấn Độ bằng trực thăng quân sự trong bối cảnh các cuộc biểu tình lan rộng đã khiến gần 300 người thiệt mạng trong tháng qua.

Theo truyền thông địa phương, ít nhất 95 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong các cuộc đụng độ ở Bangladesh trong ngày 4/8, khi cảnh sát bắn hơi cay và đạn cao su để giải tán hàng chục ngàn người biểu tình đòi Thủ tướng Sheikh Hasina từ chức.

Số người thiệt mạng, trong đó có ít nhất 14 cảnh sát, là con số cao nhất trong một ngày trong các cuộc biểu tình tại nước này trong thời gian gần đây, vượt con số 67 người thiệt mạng hôm 19/7 khi sinh viên biểu tình kêu gọi bỏ quy định giới hạn số lượng công chức.

Trong ngày 5/8, ít nhất 6 người đã thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình ở khu vực Cao đẳng Y khoa Jatrabari và thủ đô Dhaka trong ngày 5/8.

Chính phủ Bangladesh ban hành lệnh giới nghiêm vô thời hạn trên toàn quốc từ 18 giờ ngày 4/8 (giờ địa phương) và 3 ngày nghỉ từ ngày 5/8.

Thủ tướng Hasina đối diện áp lực lớn sau khi đắc cử nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp hồi tháng 1, trong cuộc bầu cử bị đảng Dân tộc Bangladesh đối lập tẩy chay.

Trong ngày 4/8, nhiều người biểu tình chặn các xa lộ và bạo lực lan ra nhiều nơi. Thủ tướng Hasina chỉ trích rằng những người tham gia bạo lực "không phải là sinh viên mà là những kẻ khủng bố gây bất ổn đất nước". 

Tháng trước, gần 200 người thiệt mạng, hàng ngàn người bị thương, và gần 11.000 người bị bắt trong các vụ bạo lực, xuất phát từ các cuộc biểu tình do các nhóm sinh viên lãnh đạo nhằm phản đối chính sách hạn chế việc làm của chính phủ.

Các cuộc biểu tình chỉ tạm dừng lại sau khi Tòa án Tối cao Bangladesh bãi bỏ hầu hết các hạn chế. Tuy nhiên, các nhóm sinh viên đã biểu tình trở lại trên đường phố vào tuần trước, đòi công lý cho gia đình những người thiệt mạng.