Tràn ngập hàng ngoại
Ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế&Đô thị tại Big C Thăng Long chiều ngày 5/7, cho thấy mặc dù mặt hàng may mặc vẫn do DN Việt Nam cung ứng nhưng trên một số quầy, kệ hàng Thái Lan và hàng nhập khẩu chiếm số lượng tuyệt đối. Trên quầy hóa mỹ phẩm, các nhãn hiệu quen thuộc của các công ty đa quốc gia đã có sản xuất ở Việt Nam nhưng ở đây hàng nhập khẩu từ Thái Lan chẳng hạn, dầu gội, sữa tắm Pantene, Rejoice, Head & Shoulder đều là hàng Thái Lan. Không chỉ có vậy nhằm quảng bá mỹ phẩm nhập khẩu từ Thái Lan, Big C Thăng Long còn dành diện tích trưng bầy các loại mỹ phẩm Thái Lan nhập khẩu.
Điểm trưng bầy giới thiệu mỹ phẩm nhập khẩu từ Thái Lan tại Big C Thăng Long |
Ngay cả những mặt hàng tiêu dùng thường nhật như miến, bún khô…cũng xuất hiện nhiều sản phẩm nhập khẩu từ Thái Lan. Ngay cả mặt hàng thực phẩm đặc sản vùng miền đang được DN Việt Nam sản xuất như nước cốt dừa, cá nục… đóng hộp cũng xuất hiện sản phẩm Thái Lan. Thậm chí mặt hàng đồ ăn vặt dành cho trẻ em như bimbim, khoai tây chiên…hàng Thái đã bắt đầu chen chân hàng Việt. Thông tin trên Wesite Big C cho thấy trong cơ cấu mặt hàng bia, rượu ngoài bia nhập từ Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Cộng hòa Czech...đã xuất hiện sản phẩm Bia Chang nổi tiếng của Thái.
Người tiêu dùng lựa chọn đồ hộp Thái Lan bán tại Big C Thăng Long |
Nước cốt dưa Thái Lan bầy bán cùng nước cốt dừa Việt Nam tại Big C Thăng Long |
Người tiêu dùng sẽ chọn siêu thị khác
Trước phản ứng của DN và dư luận, chiều 4/7, Big C đã hứa nhập lại hàng may mặc của 50 DN Việt, hiều nhất 2 tuần tới, đơn vị này tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp và dự kiến 100 doanh nghiệp nữa sẽ được mở hợp đồng. Giai đoạn cuối cùng, Big C sẽ rà soát chặt chẽ với những doanh nghiệp chưa đáp ứng được hợp đồng đã ký giữa 2 bên và lọc ra 50/100 doanh nghiệp còn lại để mở đơn hàng. Như vậy, Big C sẽ ngừng thu mua mặt hàng may mặc từ 50 nhà cung cấp Việt Nam.
Mặc dù Big C đã tiếp tục nhập hàng may mặc Việt Nam, nhưng trước động thái của BigC, người tiêu dùng vẫn có những phản ứng gay gắt đầy bức xúc. Chị Nguyễn Thị Lan ở phố Trung Kính chia sẻ: Trong những lần tới Big Thăng Long mua hàng, gia đình tôi thường mua thêm quần áo trẻ em do DN Việt Nam sản xuất bởi chất lượng đảm bảo, mẫu mã đa dạng...quan trọng hơn cả là giá bán thấp hơn thị trường tự do. Nếu BigC ngừng không nhập, bán các mặt hàng dệt may trong nước thì tôi sẽ chọn những siêu thị khác có bán hàng dệt may Việt Nam để mua”, chị Nguyễn Thị Lan khẳng định. Ở một góc nhìn khác, chị Thanh Nga ở ngõ 85 phố Nguyễn Lương Bằng nêu rõ: siêu thị Big C là siêu thị mà tôi thường lui tới mua sắm bởi giá cả hợp lý. Nếu sắp tới siêu thị này ngưng bán hàng dệt may Việt Nam tôi sẽ không chấp nhận điều đó và sẽ tìm một siêu thị khác để hưởng ứng cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm may mặc VIệt Nam tại Big C Thăng Long |
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm may mặc Việt Nam tại Big C Thăng Long |
Nhiều vụ lùm xùm đầy tai tiếng
Thực tế cho thấy, trước khi tuyên bố dừng kinh doanh sản phẩm may mặc Việt, Big C đã dính nhiều “vết đen” trong quá trình kinh doanh. Cụ thể tháng 4/2016, khi vừa về tay Tập đoàn Thái Lan, Big C đã "làm khó" hàng loạt DN nông sản thực phẩm Việt, khi đòi chiết khấu có mặt hàng lên đến 25%. Không chịu nổi mức chiết khấu cao của Big C, một số DN thủy sản đã rút hàng khỏi hệ thống này. Sau đó, Big C gửi thư mời DN quay lại cung cấp hàng, nhưng do chưa thống nhất mức chiết khấu nên không nhà cung cấp nào nhận lời.
Người tiêu dùng mua đồ hộp Thái Lan bán tại Big C Thăng Long |
Đặc biệt Big C từng nhiều lần khiến dư luận xôn xao với hàng loạt vụ lùm xùm khác như bán thịt lợn nghi nhiễm sán lợn gạo, bán thịt bê có giòi, dán cờ Trung Quốc lên sản phẩm Việt Nam, cho thuê mặt bằng kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng...Ngày 30/3/2019 khách hàng Đỗ Thị Xuyến (Hải Phòng) phản ánh việc phát hiện miếng thịt bê chị mua tại siêu thị Big C Hải Phòng hôm 30/3/2019 có giòi. Cũng theo chị Xuyến, bao bì đựng miếng thịt có tem của Big C nhưng không có tên nhà cung cấp thịt. Tem chỉ ghi ngày đóng gói và không hề ghi ngày hết hạn. Liên quan tới vụ việc, bà Vũ Thị Thu Hương, quản lý Big C Hải Phòng thừa nhận miếng thịt chị Xuyến mua được cung cấp từ Big C Hải Phòng.
Không chỉ Big C Hải Phòng mới vương vào việc bán thực phẩm kém chất lượng, tháng 6/2018 Đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP TP Hà Nội qua kiểm tra đột xuất các mặt hàng thực phẩm tại siêu thị Big C Hà Đông đã phát hiện, bắt quả tang siêu thị này đang bày bán một số thực phẩm hết hạn sử dụng và không có tem phụ thể hiện thông tin sản phẩm. Tại buổi kiểm tra các cơ quan chức năng đã tiến hành lập biên bản xử phạt cũng như thu hồi tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm quá hạn sử dụng của siêu thị Big C Hà Đông...
Người tiêu dùng mua hàng may mặc Việt tại Big C Thăng Long |
Nhằm bảo vệ DN Việt và quyền lợi người tiêu dùng, tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương (4/7), Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh đến vụ việc siêu thị BigC ngừng nhập hàng may mặc Việt Nam, gây băn khoăn, lo lắng cho các DN. Đồng thời đề nghị Bộ Công thương kiểm tra làm rõ xem có việc phân biệt đối xử với hàng hóa Việt Nam ngay trên lãnh thổ của mình không. “ Đây là vấn đề đã được dư luận cảnh báo từ trước”, Phó Thủ tướng nói.