Kinhtedothi - Tại buổi tọa đàm “Bình đẳng giới với việc giữ gìn hạnh phúc gia đình” do Sở VH&TT Hà Nội tổ chức chiều 28/6, Ths. Hoa Hữu Vân – Phó vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTT&DL khẳng định: “Thực hiện bình đẳng giới vừa là giá trị văn hóa, văn minh, vừa là điều kiện để xây dựng, giữ gìn hạnh phúc gia đình”. Nói về hạnh phúc gia đình, ông Vân cho rằng, hiện nay có rất nhiều quan điểm khác nhau, nhưng theo ông, câu nói: “Từ vua quan cho đến thứ dân, người nào tìm thấy sự yên ấm trong ngôi nhà của mình thì đó là người hạnh phúc” thật đúng. Bởi lẽ, nhiều người cứ đi tìm hạnh phúc ở đâu đó, từ ai đó mà không tự bằng lòng với chính mình. Nhưng thực tế, hạnh phúc gia đình phải là sự góp sức của tất cả các thành viên trong gia đình”. Thế nhưng, ở Việt Nam hiện nay, việc nhà chủ yếu do người vợ làm, đàn ông may chăng chỉ phụ giúp. Định kiến xã hội là đàn ông chỉ làm việc lớn, nhưng thử hỏi, một năm có bao nhiêu việc lớn? Việc nhà là việc vặt, là thiên chức của phụ nữ, vậy một năm mất bao nhiêu thời gian làm việc nhà? Trong gia đình có nhiều thế hệ chung sống, nhất là chung sống với gia đình nhà chồng thì đàn ông hầu như rất ít phải mó tay vào việc nhà. “Học theo lối sống của mẹ, của bà, phần lớn những người vợ thường chiều chồng nên làm hết việc nhà. Là vợ, nhưng tiềm ẩn sâu xa trong bản chất giới tính nữ, phụ nữ có xu hướng đảm nhận vai trò làm mẹ trong mọi quan hệ, kể cả trong quan hệ với chồng” - ông Vân phân tích. Trong 5 năm gần đây, 83% các cuộc ly hôn đều bắt nguồn từ bạo lực gia đình. Trong đó, 21,2% phụ nữ cho biết bị chồng đánh chửi; 22,5% người đàn ông cho biết có chửi, đánh vợ. Trong định kiến xã hội, người đàn ông tự cho mình quyền dạy dỗ vợ kể cả bằng nắm đấm hay vũ lực khác. Sự bất bình đẳng được con cái tiếp thu và sẽ lặp lại hành vi như cha mẹ. Và vô hình, xã hội ngầm cho phép các hành vi bạo lực gia đình. “Do đó, muốn ngăn chặn vấn nạn này, để mỗi gia đình Việt đều hạnh phúc, trước hết cần thay đổi tư duy, nhận thức của toàn xã hội. Bình đẳng giới không có nghĩa là hoán đổi vai trò của nam, nữ từ thái cực này sang thái cực khác. Càng không phải là sự tuyệt đối hóa bằng con số, mà là quyền được nghỉ ngơi, hưởng thụ và lao động bình đẳng như nhau” - ông Vân nhấn mạnh.