KTĐT - Đẩy mạnh việc trao quyền cho phụ nữ trên mọi lĩnh vực, trong đó có giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ và chính trị, đó là khẳng định của ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Thường trực Bộ LĐTB&XH tại cuộc đối thoại chính sách về bình đẳng giới vừa diễn ra.
Chênh lệch lực lượng lao động
Theo con số thống kê của Bộ LĐTB&XH cho thấy có sự mất cân bằng ngày càng tăng trong việc tiếp cận của phụ nữ với thị trường lao động. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ là 72,3% (thấp hơn nhóm nam giới 8,7%). Điều đáng nói là phụ nữ ít có công việc trong thị trường lao động chính thức hơn do đó thiếu những yếu tố liên quan đến việc làm bền vững. Số phụ nữ làm nghề tự do nhiều gấp đôi so với lao động nam. Mặc dù giờ và ngày làm việc gần như nhau, nhưng thu nhập của phụ nữ di cư phần lớn thua kém. Nếu lao động nữ di cư kiếm được khoảng 22 triệu đồng/năm thì lao động nam di cư kiếm được 32 triệu đồng.
Bà Michelle Bachelet, Giám đốc cơ quan điều hành Cơ quan phụ nữ Liên hợp quốc cũng cho rằng: Phụ nữ vẫn tiếp tục thu nhập ít hơn nam giới trong cùng một công việc. Ở nhiều đất nước, phụ nữ cũng không được bình đẳng trong quyền sở hữu đất đai và quyền thừa kế. Mặc dù đã có tiến bộ vượt bậc, nhưng phụ nữ vẫn chỉ chiếm 19% trong ngành lập pháp, 8% phụ nữ thương lượng hòa bình và chỉ 28% phụ nữ là người đứng đầu các nhà nước, chính phủ.
Một thực tế cho thấy, việc chênh lệch lượng lao động là do phụ nữ vẫn bị định kiến giới. Để phụ nữ thực sự bình đẳng thì phải xóa bỏ định kiến đó. Hiện phụ nữ ở vùng nông thôn có việc làm ổn định rất ít, thậm chí chỉ có 5-6%. Một số vùng có các khu công nghiệp, tỷ lệ nữ giới tham gia lao động đã có tăng lên đáng kể nhưng hầu hết là lao động phổ thông, ít được đào tạo và họ làm việc chỉ theo thời vụ khi mùa màng đã xong xuôi. Theo nhiều chuyên gia, việc chênh lệch lực lượng lao động giữa nam và nữ đã phải trả giá vì đã làm cho một nửa thế giới tài năng bị sử dụng lãng phí. Chính điều này đã làm suy yếu sức mạnh của nền kinh tế và sự bền vững của quốc gia.
Bình đẳng giúp phát triển bền vững
Theo kế hoạch chung của Liên hợp quốc, năm 2012 - 2016 sẽ không chỉ coi bình đẳng giới như là một vấn đề xuyên suốt mà còn tập trung vào giải quyết các chính sách cụ thể. Ông Hendra, điều phối viên thường trú tại Việt Nam khẳng định; Đến năm 2016, thông qua việc triển khai và giám sát luật pháp, chính sách và trao quyền cho phụ nữ, các thể chế quốc gia và địa phương, cùng với cộng đồng sẽ tích cực hơn trong việc giải quyết bất bình đẳng giới.
Bộ LĐTB&XH và Liên hợp quốc cũng đã cam kết hỗ trợ nhằm triển khai hiệu quả Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015. Theo đó, Bộ sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định, chính sách đối với lao động nữ nhằm đảm bảo tính hiệu quả, công bằng trong tuyển dụng, sử dụng. Trong đó, chú trọng xây dựng chương trình đào tạo nghề, đặc biệt tập trung cho khu vực nông thôn, vùng dân tộc thiểu số; thu hút nhiều lao động nữ, nâng cao tay nghề, kỹ năng, cách quản lý, kinh doanh phát triển tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông sản, sản xuất hàng tiêu dùng… Đồng thời, có chính sách hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là cơ sở thu hút nhiều lao động nữ.