Bình Dương khẩn trương lắp đặt bệnh viện dã chiến 5.000 giường

VIỆT HÙNG - MẠNH DŨNG
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau ngày 25/7, vượt mốc 1.000 ca mắc mới Covid-19, Bộ Y tế cùng tỉnh Bình Dương tiến hành khảo sát, chuẩn bị thành lập Bệnh viện dã chiến số 2 với quy mô 5.000 giường

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, UBND tỉnh Bình Dương đã đưa ra nhiều kế hoạch để dập dịch, trong đó đáng chú ý là kế hoạch xanh hóa “vùng đỏ, vùng vàng”, khóa chặt “vùng xanh”. Nhất là từ 17 giờ ngày 24 đến 17 giờ ngày 25/7, Bình Dương đã ghi nhận con số ca mắc Covid-19 mới lên tới 1.064 ca. Một con số kỷ lục từ khi đại dịch xảy ra trên địa bàn Bình Dương đến nay.

Đồng thời, theo dự báo của ngành y tế về số ca bệnh có thể lên đến 15.000 - 20.000 người, tỉnh Bình Dương đang cần sự chi viện, hỗ trợ của Trung ương để nâng cao năng lực điều trị, xét nghiệm, sớm làm sạch địa bàn, đưa “vùng đỏ” thành “vùng da cam,” xuống “vùng vàng” và nhanh về “vùng xanh” trên bản đồ Covid-19. 

  Bản đồ thể hiện các vùng dịch trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Vì vậy, ngày 25/7, đoàn công tác Bộ Y tế cùng lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương đã tới thực địa để khảo sát khả năng đáp ứng cơ sở vật chất tại bệnh viện dã chiến số 2.

Địa điểm lắp đặt Bệnh viện là một phần nhà xưởng rộng 30.000m2 của công ty BWID chuyên về Logistics đặt tại KCN Mỹ Phước 4, phường Thới Hòa - thị xã Bến Cát. Phần nhà xưởng này phía công ty BWID mới xây dựng xong được UBND tỉnh Bình Dương trưng dụng nhằm lắp đặt Bệnh viện dã chiến số 2 với quy mô lên đến 5.000 giường.

Được biết, Bệnh viện dã chiến số 2 tỉnh Bình Dương được chia làm 2 khu, mỗi khu có quy mô từ 2.000 đến 3.000 giường bệnh. Tất cả việc quản lý ở đây đều được số hóa nhằm giảm tải nhân lực, tránh quá tải trong quá trình vận hành. Hệ thống camera giám sát có thể theo dõi tình trạng sức khỏe của từng bệnh nhân và số liệu sẽ được cập nhật 15 phút/1 lần.

Trao đổi với đoàn công tác của Bộ Y tế, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: “Bình Dương đang nỗ lực để bảo vệ "vùng xanh" và "xanh hóa vùng đỏ vùng vàng". Theo đó, những người không có nhiệm vụ đặc biệt đi từ các "vùng đỏ, vàng" về "vùng xanh" thì buộc phải cách ly tại nhà”. 

Một phần khu nhà xưởng được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến số 2 tỉnh Bình Dương.
“Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục quét nhanh F0 trên địa bàn "vùng vàng" để sớm "xanh hoá" và khoá chặt các "vùng xanh". Riêng "vùng đỏ", Bình Dương lên kế hoạch test virus diện rộng nhiều lần, nhằm bóc tách và không bỏ sót các trường hợp F0 để đưa đi cách ly điều trị” - ông Võ Văn Minh nhấn mạnh.

Cũng trong thời gian qua, UBND tỉnh Bình Dương đã nỗ lực không ngừng trong công tác triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Nhiều biện pháp khắc phục đã được đưa ra nhằm khống chế số ca mắc Covid-19.
Cụ thể, các doanh nghiệp chỉ được phép hoạt động sản xuất, kinh doanh khi đáp ứng được yêu cầu “01 cung đường, 02 điểm đến” hoặc “3 tại chỗ”. Nếu không đáp ứng được thì buộc phải tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, để sẵn sàng cho kịch bản xấu hơn của diễn biến dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu các cấp ủy, chính quyền thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”. 

Các công nhân đang khẩn trương lắp đặt hệ thống để sắp tới đưa Bệnh viện đi vào hoạt động.
Bên cạnh đó, Bình Dương cũng tiến hành tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm, sàng lọc diện rộng Covid-19 thần tốc cho hơn 1,8 triệu người dân trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tỉnh Bình Dương cũng đã lên kế hoạch dập dịch cho từng vùng riêng biệt để bảo đảm việc khoá chặt các vùng an toàn.
Theo đó, sơ đồ các vùng dịch được phân chia cụ thể: TP Thuận An, TP Thủ Dầu Một, TP Dĩ An, thị xã Tân Uyên là 4 địa điểm nằm giáp ranh với TP Hồ Chí Minh, với mật độ F0 cao được gọi là "vùng đỏ"; thị xã Bến Cát và huyện Bàu Bàng được phân loại vào "vùng vàng" do có mật độ F0 thấp hơn; còn lại 3 huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo và Bắc Tân Uyên được xem là "vùng xanh" an toàn.

Lãnh đạo tỉnh cũng yêu cầu các ngành y tế phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện chốt chặt, giữ vững và từng bước mở rộng những “vùng xanh” an toàn. Qua đó, tổ chức điều hành lấy mẫu, tăng công suất xét nghiệm, sàng lọc để sớm phát hiện, đưa ngay F0 đi điều trị. Có như vậy mới giữ vùng "vùng xanh", ngăn chặn "vùng đỏ" và giảm thiểu các ca F0 mới trong cộng đồng. Từ đó sớm ổn định lại đời sống của người dân cũng như các hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh.

Ghi nhận thêm 733 ca mắc Covid-19 trong 24 giờ

Từ 17 giờ ngày 25 đến 17 giờ ngày 26/7/2021, Bình Dương ghi nhận thêm 733 ca. Qua đó, nâng tổng số ca mắc mới từ đợt dịch thứ 4 lên 8.743 ca mắc Covid-19. Trong số 733 ca mắc, có 78 ca phát hiện tại cơ sở y tế, 268 ca phát hiện trong khu cách ly, 177 ca trong khu phong tỏa và 210 ca qua sàng lọc cộng đồng.

Các ca mắc mới cư ngụ tại TP Dĩ An (355 ca); TX Bến Cát (133 ca); TX Tân Uyên (91 ca); TP Thuận An (45 ca); TP Thủ Dầu Một (61 ca); huyện Bàu Bàng (28 ca); huyện Dầu Tiếng (08 ca); huyện Bắc Tân Uyên (01 ca); huyện Phú Giáo (01 ca) và các tỉnh, thành khác 10 ca.

Đến nay, Bình Dương đã có 688 bệnh nhân khỏi bệnh và 38 bệnh nhân tử vong.

Được biết, toàn tỉnh Bình Dương có 12 khu điều trị bệnh nhân Covid-19 với 4.093 bệnh nhân đang điều trị (các bệnh nhân mới phát hiện đang được điều phối sang các khu điều trị và một số bệnh nhân F0 không triệu chứng vẫn còn cách ly tại các khu cách ly tạm thời); trong đó có 72 phụ nữ mang thai, 59 người trên 65 tuổi, 156 người có bệnh lý nền, 145 người có diễn biến nặng.