Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bình Dương với bài toán nhân sự

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Từng được xem là địa phương đi đầu trong chính sách “trải thảm đỏ đón nhân tài”, bóng đá Bình Dương vẫn đang cố gắng tạo cú hích mạnh trong công tác nhân sự.

KTĐT - Từng được xem là địa phương đi đầu trong chính sách “trải thảm đỏ đón nhân tài”, bóng đá Bình Dương vẫn đang cố gắng tạo cú hích mạnh trong công tác nhân sự.

Với sự có mặt của TDC.Bình Dương ở hạng Nhất, Bình Dương đã có đến 2 đội bóng. Họ không chỉ nghĩ đến chuyện “ngắt ngọn” qua việc mua những ngôi sao bóng đá, những cầu thủ thành danh. Họ còn đang tìm cách đầu tư theo chiều sâu khi đưa về những cầu thủ trẻ giàu tiềm năng từ các địa phương. Sau một vài năm rèn giũa và biến họ trở thành những sản phẩm đặc trưng của lò đào tạo Bình Dương.

Nhiều năm qua, Bình Dương không giới thiệu được những cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo của mình. Các cầu thủ giỏi ngoại tỉnh, ngoại binh chiếm suất thi đấu của các cầu thủ nội tỉnh. Chính vì thế nên việc có mặt ở sân chơi hạng Nhất là một bước đệm tích cực để người Bình Dương tung ra những “sản phẩm Bình Dương”. Với việc được tiếp xúc với những cầu thủ ngoại chất lượng cao như Lima, Abbey, Mbabazi..., được chinh chiến ở môi trường khắc nghiệt hơn hẳn, người Bình Dương hy vọng rất nhiều về một thế hệ cầu thủ mới của mình.

Tuyến trẻ của CLB hiện tại rất dồi dào và việc họ đưa về HLV kinh nghiệm Đặng Trần Chỉnh ngồi vào chiếc ghế GĐKT ở đội TDC.Bình Dương và các tuyến trẻ là một phần trong chiến dịch ấy. Các cựu danh thủ như Thanh Sơn, Văn Dũ, Tấn Thông được trọng dụng trong vai trò HLV. Mới đây sau khi đưa HLV Rodrigues về nắm đội TDC Bình Dương, BLĐ Becamex đã có một loạt những điều chỉnh. HLV Thanh Phong về nắm U17, HLV Văn Dũ lên đội U19, HLV Thanh Sơn từ U19 lên làm trợ lý HLV ở TDC.Bình Dương. Các tuyến trẻ Bình Dương cũng vừa được sắp xếp lại theo trật tự.

Không thể ăn xổi, không thể đổ tiền tấn để mua nhân tài. Bình Dương muốn tận dụng chính những nguồn nhân tài ấy để thúc đẩy phong trào bóng đá trong tỉnh đi lên và dùng nguồn chất xám ngoại tỉnh để làm mới tuyến trẻ của mình.

Thậm chí với những định hướng đang được tiến hành, người ta còn đang tính đến chuyện liên kết với một đội bóng tầm cỡ ở châu Âu để đào tạo trẻ như mô hình HAGL gắn với Arsenal.

Góc nhìn

Hậu phương lý tưởng

Để đủ sức đua cùng lúc ở nhiều mặt trận khác nhau, B.BD phải có lực lượng dồi dào. Sở hữu nguồn lực kế cận tiềm năng, nhưng để đứng vững ở đấu trường khốc liệt như V.League thì đòi hỏi các cầu thủ phải được thử thách nhiều mới hy vọng trưởng thành hơn về chuyên môn, bản lĩnh và kinh nghiệm trận mạc. Tuy nhiên, sân chơi để giúp cho lực lượng kế cận này rèn giũa lại không nhiều, nên hiếm thấy gương mặt mới do chính đội bóng “nhào nặn” xuất hiện trong thành phần đăng ký của B.BD trước mùa giải mới.

Song, ở mùa giải tới, bóng đá Bình Dương có thể tin tưởng vào tương lai tươi đẹp hơn với một một lực lượng kế cận giàu sức chiến đấu hơn. Niềm tin ấy đến từ “hậu phương” TDC Bình Dương, đội bóng là “đàn em” của B.BD vừa góp mặt mặt ở sân chơi hạng Nhất. Chính việc có thêm một sân chơi đáng giá nữa đã mở ra cơ hội cho các cầu thủ đến tuổi “cập kê” của bóng đá miền Đông Nam bộ có đất diễn thường xuyên hơn.

Có thể nhận thấy mục đích tạo nền vững chắc cho đội B.BD trong quá trình chuẩn bị của TDC.BD cho mùa giải mới khi ưu tiên dành chỗ cho lực lượng trẻ được “ươm mầm” lâu nay như Anh Hoàng, Trọng Phú, Thành Nam… Hay là rèn chuyên môn cho những cầu thủ chưa tìm được chỗ đứng chính thức ở đội hình 1. Đức Tài là ví dụ khi tiền vệ khá triển vọng này được đưa từ B.BD xuống TDC.BD để có nhiều cơ hội ra sân ở mùa giải năm tới.

Gần như phần lớn lực lượng của TDC.BD hiện tại sẽ là trụ cột trong tương lai gần của B.BD ở V.League, nên sân chơi hạng Nhất được xem là bàn đạp, động lực để các cầu thủ quyết tâm, phấn đấu hơn nữa cho hy vọng sớm lọt vào mắt BHL đội 1. Cũng nhờ có sân sau lý tưởng ấy mà những người làm công tác chuyên môn ở B.BD sẽ có cái nhìn xác thực, đánh giá chính xác để từ đó “chấm” cầu thủ từ tuyến hai chuẩn xác hơn.