Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bình ổn giá thịt lợn: Doanh nghiệp tự hại mình nếu “găm hàng”

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá lợn hơi những ngày qua đã giảm nhẹ, tuy nhiên vẫn ở mức cao so với khả năng chi tiêu của người dân. Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi chưa thể khống chế hoàn toàn, công tác tái đàn mới ở giai đoạn đầu, thị trường thịt lợn được cho là phụ thuộc rất lớn vào các DN chăn nuôi.

Gian hàng bán thực phẩm tại một siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Trần Dũng
Giá lợn tăng cao, doanh nghiệp nói gì?
Là một trong những DN lớn nhất đang đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, hiện mỗi ngày, Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam vẫn đều đặn cung ứng cho thị trường hơn 16.000 con lợn. Giá lợn hơi xuất chuồng của DN này được niêm yết ở mức 83.000 đồng/kg.
Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam Vũ Anh Tuấn cho biết, chủ trương của DN là đồng hành cùng người tiêu dùng, do đó mức giá đơn vị bán ra luôn thấp hơn bình quân thị trường. Ông Tuấn cũng chia sẻ, DN không mong giá quá cao vì kèm theo đó là rất nhiều rủi ro.
Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, mới đây, Bộ NN&PTNT đã có văn bản đề nghị các DN tái đàn theo đúng quy định, chăn nuôi tuân thủ các nguyên tắc an toàn sinh học và tổ chức sản xuất bảo đảm bình ổn giá. Bên cạnh đó, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về nguồn cung và giá mặt hàng thịt lợn để người sản xuất và tiêu dùng biết, tránh hiện tượng “găm hàng”, thổi giá lên cao.
Chung quan điểm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Dabaco Việt Nam Nguyễn Văn Tuế cho rằng, các DN tham gia lĩnh vực chăn nuôi thường đầu tư lớn, muốn làm ăn lâu dài. Chính vì vậy, giá lợn tăng quá cao có thể khiến người dân “quay lưng” với thịt lợn. Nhu cầu giảm sẽ khiến các DN bị ảnh hưởng lớn.
Đáng lo ngại hơn, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Mavin Đào Mạnh Lương bày tỏ quan ngại, nếu giá cao, thị trường thiếu lợn thì chắc chắn sẽ phải nhập khẩu. Và đây là điều không DN nào mong muốn. “Nếu không nghiên cứu kỹ lưỡng để cân đối việc nhập khẩu thịt lợn thì ngành chăn nuôi trong nước sẽ đứng trước nguy cơ suy giảm thị phần nghiêm trọng...” – ông Lương cho hay.
Không nên “tham bát bỏ mâm”
Với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Chính phủ và nỗ lực của hệ thống chính trị, số lượng lợn bị tiêu hủy do dịch tả châu Phi đang trong giai đoạn thấp nhất. Việc giá lợn hiện vẫn ở mức cao được cho có nguyên nhân từ tình trạng “găm hàng”.
Nhiều ý kiến cho rằng, giá lợn là câu chuyện của thị trường, nhưng thị trường thực chất lại là do con người tạo ra. Đối với giá lợn trong nước, các DN có lợi thế và đang “cầm trịch”, bởi từ công nghệ cũng như trình độ quản trị. Các DN cũng đang nắm giữ 109.000 con lợn giống ông bà, cụ kỵ – cơ sở rất quan trọng để tái đàn lợn sau dịch.
Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương thiếu thịt lợn đến đâu, sẽ nhập đến đó để bảo đảm nguồn cung cho thị trường, nhất là dịp Tết Canh Tý 2020. Và điều này sẽ không có lợi cho chính các DN chăn nuôi. Chính vì vậy, các DN cần thay đổi tư duy, không nên… “tham bát bỏ mâm”. Chính vì thế, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các DN nghiên cứu, thống nhất cùng nhau theo hướng tích cực nhất. Trong đó, cần lấy phương châm ổn định số lượng và thị trường làm chiến lược phát triển bền vững, chứ không nên suy nghĩ “chỉ ăn mỗi Tết Canh Tý”.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT khuyến nghị các DN cũng cần chú trọng văn hóa của người sản xuất, không để người dân vì giá lợn quá cao mà phải chuyển sang ăn thịt gia cầm, trứng, thủy sản… “Kinh doanh văn hóa mới là thứ trường tồn. Phải làm sao để người tiêu dùng cùng chia sẻ, sử dụng thịt lợn ngay cả trong thời điểm khó khăn nhất…” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.