Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bình ổn giá xăng dầu để ổn định kinh tế vĩ mô

Ánh Ngọc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh nền kinh tế đang đối diện với muôn vàn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá xăng dầu lại tăng phi mã đã tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, thương mại trong nước.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, Chính phủ cần sớm có giải pháp can thiệp bình ổn giá xăng dầu để phục vụ cho phục hồi kinh tế. Chỉ khi bình ổn được giá xăng dầu thì các gói hỗ trợ kích thích kinh tế mới có ý nghĩa, vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, vừa kiểm soát được lạm phát.

Không để biến động giá xăng dầu tạo hiệu ứng Domino

Trong phiên thảo luận trực tuyến về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, ông có đề xuất Chính phủ cần sớm có biện pháp can thiệp bình ổn giá xăng dầu. Đâu là nguyên nhân khiến ông đưa ra đề xuất này?

- Như chúng ta đã biết, nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Đại dịch đã tác động đa chiều đến mọi mặt về kinh tế - xã hội trong nước. Hiện nay, Chính phủ và các địa phương đang xây dựng chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, trong đó có xây dựng chính sách để kích thích kinh tế. Tuy nhiên, tất cả các chính sách đó chỉ có ý nghĩa khi chúng ta giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, đây là mục tiêu quan trọng nhất.
 Người tiêu dùng mua xăng trên phố Nguyên Hồng. Ảnh: Thanh Hải
Hẳn chúng ta vẫn không quên bài học nhãn tiền năm 2008, khi bị ảnh hưởng cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, giá xăng dầu thế giới bị đẩy lên cao tới 150 USD/thùng. Cùng với đó là kinh tế vĩ mô trong nước lúc đó bất ổn, lạm phát gia tăng, giá đồng USD tăng. Một trong những yếu tố chính làm tăng lạm phát lúc bấy giờ là do giá xăng dầu. Giá xăng dầu được điều chỉnh tăng liên tục, có thời điểm tăng đến 27%. Khi lạm phát tăng thì lãi suất phải tăng theo, tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh, đặc biệt là làm đóng băng thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán.

Vì vậy, từ bài học cách đây 13 năm, với bối cảnh hiện nay, rất cần thiết phải cảnh báo để không lặp lại tình trạng trên khi mà dấu hiệu dễ nhận biết nhất là giá xăng dầu thế giới và trong nước đang tăng cao. Chính vì vậy mà tôi đề xuất Chính phủ cần lưu ý vấn đề bình ổn giá xăng dầu. Làm sao đừng để biến động của giá xăng dầu tạo nên hiệu ứng Domino đến giá cả hàng hóa, làm tăng giá nhiều mặt hàng khác ở trong nước.

Ông có thể nói rõ hơn về sự cần thiết Chính phủ can thiệp các biện pháp bình ổn giá xăng dầu?

- Hiện nay, chúng ta còn nhiều công cụ để can thiệp bình ổn giá xăng dầu trong trường hợp cho phép. Tôi nói đơn cử, giá xăng dầu nên chốt ở mức giá hiện hành (kỳ điều hành chiều 26/10). Nếu giá xăng dầu tiếp tục lên thì phải sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, cùng với đó là giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu hoặc giảm thuế phí bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng. Đó là các công cụ Chính phủ có thể can thiệp đối với mặt hàng này với liều lượng thích hợp để bình ổn giá xăng dầu.

Tôi xin nhấn mạnh, khi chúng ta giữ được bình ổn giá cả thì sẽ kiểm soát được lạm phát và vĩ mô ổn định. Chỉ khi đó, các chính sách kích thích kinh tế hay chính sách hỗ trợ bù lãi suất mới có ý nghĩa. Ví dụ, Chính phủ đang dự kiến giải pháp gói hỗ trợ 2% lãi suất, nhưng nếu để lãi suất thị trường tăng hơn 2% thì gói hỗ trợ trở nên vô nghĩa. Do đó phải kiểm soát lạm phát thì lúc đó giải pháp hỗ trợ lãi suất 2% mới có ý nghĩa.

Cũng cần phải nói thêm, chỉ số giá xăng dầu thường tạo nên hiệu ứng Domino đến chỉ số giá cả hàng hóa, làm tăng giá hàng loạt các mặt hàng khác nên Chính phủ cần quan tâm, phải kiểm soát, quản lý cho được giá xăng dầu trong bối cảnh hiện nay.

Mặt khác, khi kinh tế bắt đầu phục hồi thì thu nhập của người dân còn rất hạn hẹp, sức chịu đựng của các DN vẫn còn nhiều khó khăn. Nếu để giá xăng dầu tiếp tục tăng thì chi phí vận hành của các DN sẽ tiếp tục đội lên, kéo theo sự tăng giá của hàng hóa, trực tiếp làm tăng chỉ số CPI, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân.

Kiểm soát giá hài hòa với chính sách hỗ trợ

Vậy chúng ta lấy nguồn nào để hỗ trợ cho giá xăng dầu? Việc giảm các loại thuế phí cho mặt hàng này liệu có làm tăng thêm gánh nặng cho ngân sách?

- Một trong những nguồn để bù giá xăng dầu là nguồn thu từ dầu thô. Sở dĩ tôi nói như vậy vì Viêt Nam đang là nước xuất khẩu dầu thô, trong khi đó hiện nay thu ngân sách thì nguồn thu từ dầu thô đang tăng lên, có thời điểm tăng đến hơn 20%. Do đó, việc lấy nguồn tiền từ thu ngân sách vượt dự toán với dự toán thu được từ dầu thô để bù giá xăng dầu chắc chắn sẽ đảm bảo hài hòa cân đối ngân sách, chứ không làm tăng thêm gánh nặng cho ngân sách.

Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 95/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu (Nghị định 95). Ông đánh giá như thế nào về sự ra đời của Nghị định này?

- Chính phủ đã ban hành nghĩa là Chính phủ đã xem xét rất kỹ về vấn đề này. Tôi hoàn toàn đồng tình và nhận thấy dư luận những ngày qua cũng rất ủng hộ Nghị định 95. Chắc chắn Nghị định 95 khi chính thức có hiệu lực và áp dụng vào thực tế sẽ góp phần vào kiểm soát giá xăng dầu. Việc điều chỉnh từ 2 lên 3 kỳ điều hàng/tháng cũng chứng tỏ cách điều hành giá xăng dầu trong nước cũng thích ứng và bám sát hơn với tình hình biến động thực tế của thị trường.

Ông có khuyến nghị gì về giải pháp tổng thể nhằm bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát về lâu dài?

- Theo tôi, Chính phủ và các bộ, ngành phải tăng cường kiểm soát giá cả để tránh lạm phát tâm lý dẫn đến hiện tượng “tát nước theo mưa”. Đó là phải quản lý thị trường và sớm nối lại các chuỗi cung ứng và lưu thông hàng hóa. Bởi giá cả tăng nguyên nhân một phần là do đứt gãy khâu vận chuyển, lưu thông hàng hóa, dẫn đết đứt gãy chuỗi cung ứng, đứt gãy nguồn lao động. Quản lý tốt vấn đề này sẽ tạo kết nối cung cầu, lúc dó sẽ giảm “cú sốc” về mặt hàng hóa, giá cả.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh kết nối thị trường, xúc tiến thương mại để không xảy ra tình trạng nhập siêu; làm sao để vẫn đạt mục tiêu xuất siêu như các năm qua và giá đồng USD luôn bình ổn.

Về chính sách tài khóa, Chính phủ nên nới lỏng bằng cách giảm chi thường xuyên, tiết kiệm các khoản chi không cần thiết để tăng đầu tư công. Về chính sách tiền tệ, Chính phủ cần đảm bảo cho vay đủ chuẩn, không cho vay dưới chuẩn theo mục tiêu kiểm soát lạm phát, bảo đảm công ăn việc làm. Sự phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa theo mục tiêu đó vừa kích thích tăng trưởng kinh tế, vừa bảo đảm ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

"Chỉ số giá xăng dầu thường tạo nên hiệu ứng Domino đến chỉ số giá cả hàng hóa, làm tăng giá hàng loạt các mặt hàng khác. Vì vậy, Chính phủ cần quan tâm và phải kiểm soát, quản lý cho được giá xăng dầu trong bối cảnh hiện nay." - PGS.TS Trần Hoàng Ngân