Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 24/11/2023 và điều chỉnh tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 24/10/2024.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết: “Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở pháp lý để tỉnh hoạch định chính sách, triển khai bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát huy tối đa các lợi thế nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; là cơ sở, căn cứ để lập quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh theo quy định pháp luật; là dấu mốc giúp tỉnh chủ động kiến tạo tương lai phát triển một cách đột phá, bền vững trong thời gian tới”.
Quy hoạch đặt ra mục tiêu tổng quát là đến năm 2030 Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững, là "điểm đến hấp dẫn" của vùng Đông Nam Bộ, có quy mô kinh tế khá dựa trên xây dựng đồng bộ nền tảng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phát triển các cụm ngành có tiềm năng tạo nhiều việc làm và nguồn thu ngân sách.
Bình Phước là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, do đó quy hoạch cũng đặt vấn đề làm sao phải nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới với đô thị.
Trong những năm qua, GRDP của tỉnh luôn ở mức cao so với bình quân chung cả nước, đạt 8,5%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 108,4 triệu đồng/người/năm; thu hút đầu tư nước ngoài lũy kế đến năm 2024 đạt gần 4,5 tỷ USD.
Theo quy hoạch, đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân Bình Phước đạt trên 10%. Cơ cấu kinh tế: công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 54%; thương mại - dịch vụ 35%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản khoảng 11%. Kinh tế số chiếm 30% trong cơ cấu nền kinh tế. GRDP bình quân/người đạt 180 triệu đồng (tương đương 7.500 USD). Thu ngân sách đạt 30.000 tỷ đồng. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 50%...
Đến năm 2050, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, tương đương các tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước; không gian phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn; xây dựng đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại và bền vững. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, dân tộc, con người phát triển toàn diện, môi trường sống trong lành, là “điểm đến hấp dẫn” của vùng Đông Nam Bộ.
Theo quy hoạch, Bình Phước định hướng công nghiệp phát triển nhanh và bền vững theo hướng ưu tiên các ngành có giá trị gia tăng cao với 6 nhiệm vụ trọng tâm là: tập trung nghiên cứu, xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách, quy hoạch phát triển tỉnh toàn diện, đồng bộ để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm kết nối vùng, khắc phục những bất lợi do vị trí xa trung tâm. Chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng xã hội, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư và phát triển du lịch. Tập trung phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư của tỉnh. Xây dựng quốc phòng, an ninh vững mạnh, mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại. Tăng cường xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Và 3 chương trình đột phá là: đột phá về kết cấu hạ tầng; đột phá về phát triển nguồn nhân lực; đột phá về cải cách thủ tục hành chính.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chúc mừng những thành tựu nổi bật của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Phước đạt được trong suốt chặng đường vừa qua.
Phó Thủ tướng khẳng định, Bình Phước có vị trí địa lý chiến lược “đầu gối Trường Sơn”, “vai kề biên giới” nước bạn Campuchia, giữ vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế mới, kết nối kinh tế, văn hóa là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Đông Nam Bộ với Tây Nguyên, tiểu vùng Mê Công và ASEAN.
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 32 doanh nghiệp với 32 dự án có tổng số vốn đầu tư trên 620,53 triệu USD; trao thư quan tâm của UBND tỉnh cho 3 doanh nghiệp, gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Tươi, Công ty Cổ phần Đầu tư bất động sản Thành Phương, Công ty Cổ phần Tập đoàn TH. Đồng thời, ký bản ghi nhớ hợp tác giữa tỉnh Bình Phước với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Công ty TNHH Một thành viên Greenity Hậu Giang.
Cũng trong sáng nay, trong khuôn khổ chương trình hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước, tại thị xã Chơn Thành đã diễn ra lễ động thổ công trình đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đoạn qua tỉnh Bình Phước.
Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành có tổng chiều dài khoảng 70km. Trong đó, đoạn qua Bình Phước chiều dài khoảng 6,6km do Ban quản lý Đầu tư xây dựng Bình Phước làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 1.474 tỷ đồng, vận tốc thiết kế từ 100 - 120 km/giờ, thời gian thực hiện giai đoạn 2024-2026.