70 năm giải phóng Thủ đô

Blockchain mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ dừng lại ở truy xuất nguồn gốc, Logistics… công nghệ Blockchain 3.0 được tạo ra nhằm chống lại sự thay đổi dữ liệu, bảo mật thông tin, chi phí thấp, tốc độ siêu nhanh, không cần internet…

Đó là nhận định của các chuyên gia, doanh nghiệp tại Tọa đàm "Công nghệ Blockchain 3.0" do Viện Khoa học và Giáo dục Đông Nam Á tổ chức. Diễn đàn là nơi hội tụ nhằm tăng cường và mở rộng hơn nữa các cam kết thực thi đối với các tổ chức, cá nhân, là sự hợp tác bình đẳng giữa các bên cùng có lợi.
Viện trưởng Viện Khoa học và Giáo dục Đông Nam Á Nguyễn Ngọc Ngân phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Khắc Kiên
Viện trưởng Viện Khoa học và Giáo dục Đông Nam Á Nguyễn Ngọc Ngân chia sẻ, những thành tựu khoa học và công nghệ đang tạo nên kỷ nguyên mới, tác động vô cùng sâu sắc đến mọi khía cạnh của sản xuất, kinh doanh, từ sản phẩm, tiêu dùng, kỹ năng, mô hình kinh doanh, cách thức quản trị cho đến vận hành các chuỗi giá trị toàn cầu, tác động tới sự tương tác giữa kinh tế thị trường và nhà nước. Trong đó không thể bỏ qua công nghệ Blockchain 3.0.
“Cách mạng Công nghiệp 4.0 là cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế. Mục đích của chương trình nhằm tìm kiếm các đối tác trong các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp  nhằm chuyển giao công nghệ Blockchain 3.0 đào tạo nguồn nhận lực công nghệ cao và ứng dụng rộng rãi vào trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, y tế, giáo dục, Logistics truy xuất nguồn gốc… nhất là các ứng dụng phục vụ ngành nông nghiệp và xuất khẩu” - vị này nhấn mạnh.
Đa số các chuyên gia, doanh nghiệp đều cho rằng, thế giới đang thay đổi, đang chuyển mình, chuyển từ kỷ nguyên của điện tử hóa, tự động hóa, tin học hóa sang kỷ nguyên của số hóa, thông minh hóa và trí tuệ nhân tạo.
Viện trưởng Viện Khoa học và Giáo dục Đông Nam Á Nguyễn Ngọc Ngân ký kết hợp tác với doanh nghiệp. Ảnh: Khắc Kiên
Những thành tựu khoa học và công nghệ đang tạo nên kỷ nguyên mới, tác động vô cùng sâu sắc đến mọi khía cạnh của sản xuất kinh doanh, từ sản phẩm, tiêu dùng, kỹ năng, mô hình kinh doanh, cách thức quản trị, cho đến vận hành các chuỗi giá trị toàn cầu, tác động tới sự tương tác giữa kinh tế thị trường và nhà nước. Do đó, Việt Nam không thể nằm ngoài “cuộc chơi” của cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, giáo dục đào tạo là ngành đón nhận nhiều nhất tác động từ làn sóng tiến bộ của khoa học và công nghệ.
Đặc biệt, Blockchain 3.0 CSE đang trở thành giải pháp thông minh cho kỷ nguyên mới. Ngày nay, thế giới đang liên tục phát triển và nâng cao các công nghệ blockchain, kèm theo đó là các cải tiến đột phá làm mê hoặc giới hâm mộ. Công nghệ này có ý nghĩa sâu sắc đối với các giao dịch trong cuộc sống hàng ngày với sự tối giản của một cơ sở hạ tầng điện toán đám mây siêu phức tạp.
Trên thực tế ứng dụng công nghệ Blockchain 3.0 vào sản xuất nông nghiệp, trong đó đều có các điều khoản riêng. Giám đốc Công ty CP Smart Agri Việt Nam Lưu Thị Thảo cho biết, sau khi doanh nghiệp ứng dụng Blockchain 3.0 vào sản xuất và tiêu thụ thì sản lượng, chất lượng  đã tăng lên so với cách truyền thống. Bởi, hệ thống blockchain ghi lại tất cả các giao dịch được diễn ra và mọi người tham gia vào hệ thống này có thể thấy và có quyền xác minh tính chính xác của giao dịch đó. Những sản phẩm được bán ra sẽ được lưu lại toàn bộ quá trình bắt đầu từ giai đoạn gieo trồng, chăm bón và thu hoạch.
Giám đốc Công ty CP Smart Agri Việt Nam Lưu Thị Thảo chia sẻ về những lợi ích từ ứng dụng công nghệ Blockchain đối với doanh nghiệp mình. Ảnh: Khắc Kiên
Ngoài ra, việc lưu trữ thông tin trên blockchain gần như sẽ không thể thay đổi, độ tin cậy của thông tin gần như tuyệt đối. Đơn cử, sau khi đăng kí để xuất khẩu một sản phẩm, Blockchain sẽ hiện lên ở vùng này có bao nhiêu nông dân đăng kí… khi đó các nhà khoa học, nhà tư vấn, logistics, nhà tài chính,… sẽ đồng hành cùng người nông dân và doanh nghiệp cũng dựa vào đó để làm việc với đối tác nước ngoài.
“Smart Agri hướng tới là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và thương mại nông sản, Đặc biệt là việc cung cấp thông tin minh về nguồn gốc xuất xứ đến tay người tiêu dùng” - nữ doanh nhân này khẳng định.