Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi có nhiều điểm chưa hợp lý

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Độ tuổi từ 0-6, cần chú ý đến tâm vận động, tức là phải vận động. Trong khi đó, nhiều người cứ nhồi chữ ngay vào đầu trẻ, không dạy tâm vận động, không đi từ cái gốc mà đi từ lửng lơ giữa trời."

KTĐT - "Độ tuổi từ 0-6, cần chú ý đến tâm vận động, tức là phải vận động. Trong khi đó, nhiều người cứ nhồi chữ ngay vào đầu trẻ, không dạy tâm vận động, không đi từ cái gốc mà đi từ lửng lơ giữa trời. Nhà trường lo dạy chữ quên mất làm trẻ phát triển tâm lý. Nhận thức sai, dạy con sai nên chuẩn cũng xa vời."

Tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Kim Quý và một số giáo viên mầm non cho rằng, bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi của Bộ GD&ĐT dài dòng và có nhiều điểm chưa hợp lý.

Nhiều ý kiến cho rằng, tiêu chí trẻ bật xa tối thiểu 50cm, ném và bắt bóng bằng hai tay từ khoảng cách xa 4m và nhiều tiêu chí khác không nên áp dụng cho bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi?

Thực ra, không cần những tiêu chí như vậy. Thế giới dùng các tiêu chí đánh giá được rất nhiều độ tuổi chứ không phải chỉ 5 tuổi. Ở ta lại làm một độ tuổi. Nên làm từ nhỏ đến lớn thì chuẩn hơn

Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi (28 chuẩn với 120 tiêu chí theo bốn lĩnh vực phát triển) vừa được Bộ GD&ĐT tập huấn cho giáo viên mầm non tại 15 tỉnh, thành trên cả nước và sẽ triển khai thí điểm ngay trong năm học này.

Theo tôi, nên xây dựng chuẩn phát triển cho các nhóm trẻ từ 0-1 tuổi, 1-3 tuổi, 3-6 tuổi. Mình chọn xây dựng chuẩn 5 tuổi là làm ngọn. Các chặng phát triển đều quan trọng chứ không thể nói giai đoạn nào quan trọng hơn giai đoạn nào. Nếu phát triển từ gốc sẽ tốt hơn.

Có ý kiến cho rằng, nhiều tiêu chuẩn của bộ phát triển trẻ 5 tuổi phi thực tế?

Có cái không cần cụ thể thì lại cụ thể, cái cần cụ thể thì lại trừu tượng. Theo tôi, chỉ cần tiêu chí nhảy xa là được, chứ không cần bao nhiêu mét. Các bé biết nhảy là biết phối hợp tay chân rồi.

Tôi cho rằng, chỉ số như "trẻ tự rửa mặt, chải răng hằng ngày" không phải là lĩnh vực phát triển thể chất mà thuộc lĩnh vực cá nhân xã hội, đưa vào lĩnh vực thể chất là không phù hợp.

Thể chất là nói về thể lực, những điểm như trẻ phát triển thế nào, chiều cao, cân nặng bao nhiêu, các giác quan có phát triển bình thường không thì lại không có.

Tiêu chí nhiều, nhưng tôi thấy chưa chính xác. Chỉ số 21 ghi "nhận ra và không chơi những đồ vật gây nguy hiểm"; đó không phải lĩnh vực thể chất, đặt nó ở đó không ổn. Bộ chuẩn hơi tham khi ở đây nói vấn đề an toàn. Không nên đưa chuẩn về an toàn vào.

Phát triển về thể chất thì cân nặng, chiều cao, tim mạch, huyết áp 5 tuổi cần đạt bao nhiêu lại không có.

Nhiều tiêu chí trong bộ chuẩn mù mờ, như trẻ cần nói được "khả năng và sở thích của bản thân mình", thà đưa hẳn tiêu chí biết tên, biết địa chỉ, bố mẹ, công việc bố mẹ... Cái cần cụ thể lại trừu tượng. Nếu cái này có một bảng giải thích nữa thì mới được, chứ nêu như trên khó cho giáo viên, cha mẹ.

Trẻ 5 tuổi đáp ứng được bao nhiêu phần trăm tiêu chí?

Chắc chắn không được 50%.

Có phụ huynh nhận định, tiêu chuẩn đưa ra quá sức với con em họ?

Đúng thế. Hiện nay, cách dạy trẻ ở mình có vấn đề. Không phải phụ huynh nào cũng biết cách dạy con.

Độ tuổi từ 0-6, cần chú ý đến tâm vận động, tức là phải vận động. Trong khi đó, nhiều người cứ nhồi chữ ngay vào đầu trẻ, không dạy tâm vận động, không đi từ cái gốc mà đi từ lửng lơ giữa trời. Nhà trường lo dạy chữ quên mất làm trẻ phát triển tâm lý. Nhận thức sai, dạy con sai nên chuẩn cũng xa vời.

Vậy cần những tiêu chí gì để bộ chuẩn phù hợp với sự phát triển của các cháu ở độ tuổi này?

Tôi nghĩ chuẩn này phải xây dựng lại. Ngay tiêu chí đưa ra nhưng nội dung không phù hợp với tên.

Chuẩn phải ngắn, gọn, bao quát, sau đó chuẩn này có giải thích riêng, cụ thể những tiêu chí cần đạt. Cần viết dễ hiểu, chuẩn là để mọi người hiểu và vận dụng được, chứ không phải dùng để nói về mặt chuyên môn. Nên thu gọn tiêu chí, chỉ còn 60 thôi. Thực ra, các nước trên thế giới áp dụng 30 tiêu chí cho độ tuổi này là đủ.

Xin cảm ơn bà!

Cô Liên Hương (Hà Nội) - Giáo viên dạy trẻ 5 tuổi: Bộ chuẩn này còn một số điểm chưa phù hợp với thực tế nhiều trường. Chẳng hạn, tiêu chí trẻ phải bật xa tối thiểu 50 cm, chạy 18m với thời gian nhiều nhất 5 - 7 giây…, là đòi hỏi khó với các trường mẫu giáo không có sân bãi. Một số học sinh chậm, khó có thể chạy được ở mức thời gian đó.

Chuẩn yêu cầu trẻ 5 tuổi phải tập trung học liên tục 30 phút nhưng vấn đề quyết định không phải chỉ là khả năng của học sinh mà ở cách dạy của giáo viên có tạo hứng thú cho trẻ hay không, trong khi trẻ hay chán, thay đổi liên tục. Với 120 tiêu chí này, trẻ giỏi lắm cũng chỉ đạt được 80%.

Cô Nguyễn Thị Dung - Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Hua Thanh (Điện Biên): Toàn bộ 216 trẻ mầm non trong trường đều là người dân tộc Mông, Thái, Khơ mú…, tiếng Việt còn chưa nói sõi. Nhiều lúc, cô giáo nói học sinh còn không hiểu thì việc yêu cầu phải thực hiện được hàng trăm chỉ số này là điều quá sức, đặc biệt đối với những chỉ số yêu cầu trẻ phải diễn đạt bằng ngôn ngữ. Riêng việc dạy cho trẻ dân tộc thiểu số nói được tiếng Việt trong giao tiếp hằng ngày đã là khó khăn rồi.

Một ngày học của trẻ ở trường mầm non, chúng tôi phải tiếp thu kiến thức mới, hoạt động thể chất, cộng thêm vào đó là chương trình tăng cường tiếng Việt cho trẻ 5 tuổi trước khi vào lớp 1, giờ lại thêm bộ chuẩn này thì cả cô và trò đều quá tải.

Bà Trương Thị Phương Dung - Phó Phòng giáo dục mầm non, Sở GD&ĐT Hải Phòng: Để đưa bộ chuẩn này vào thực tế, theo tôi, cần có một quá trình, không thể đòi hỏi ngay lập tức được. Các tiêu chuẩn và chỉ số đưa ra trong bộ chuẩn không quá khó và không quá sức trẻ, với điều kiện phải hướng dẫn và giáo dục để trẻ biết và làm theo. Chưa dạy trẻ thì không thể nói là trẻ không làm được. Nếu chỉ đọc nội dung rồi so sánh ngay với khả năng hiện có của trẻ, sẽ có không ít người nói rằng "quá sức", "vượt khung"…; nhưng chỉ cần giáo viên, bố mẹ hướng dẫn, chắc chắn trẻ sẽ làm được.