KTĐT - Bộ Công Thương cho biết, đa số các doanh nghiệp trong nước sản xuất xe tải có tải trọng dưới 5 tấn và từ 5-10 tấn mới được thành lập trong thời gian 4-5 năm trở lại đây và đã đầu tư máy móc thiết bị để thực hiện các khâu sơn, hàn, làm vỏ xe, thùng xe nhằm đáp ứng chủ trương và yêu cầu nội địa hoá của Chính phủ.
Tại dự thảo văn bản góp ý đề xuất của Bộ Tài chính về việc điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ôtô tải nguyên chiếc từ năm 2011, Bộ Công Thương đã nêu rõ quan điểm không đồng tình với giải pháp giảm mạnh thuế.
Đặc biệt đối với các loại xe tải có tải trọng dưới 5 tấn và từ 5 - 10 tấn, Bộ Công Thương cho rằng đây là loại sản phẩm công nghiệp mà trong nước đã sản xuất được. Hiện mặt hàng này cũng đã được đưa vào Danh mục máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải trong nước đã sản xuất được, ban hành theo Quyết định số 2840/QĐ-BCT ngày 28/5/2010 của Bộ Công Thương.
“Các doanh nghiệp trong nước sản xuất các loại xe tải nói trên đang sử dụng một số loại phụ tùng sản xuất trong nước như ắc quy, săm, lốp, kính, ghế, một số chi tiết cao su, nhựa, sơn, hoá chất, vật tư hàn... Đối với các loại phụ tùng khác, vì trong nước chưa sản xuất được nên phải nhập khẩu với thuế suất hiện hành 12-15%”, văn bản nêu rõ.
Bộ Công Thương cũng cho biết, đa số các doanh nghiệp trong nước sản xuất xe tải có tải trọng dưới 5 tấn và từ 5-10 tấn mới được thành lập trong thời gian 4-5 năm trở lại đây và đã đầu tư máy móc thiết bị để thực hiện các khâu sơn, hàn, làm vỏ xe, thùng xe nhằm đáp ứng chủ trương và yêu cầu nội địa hoá của Chính phủ. Do các nhà máy trong nước sản xuất xe tải có tải trọng dưới 5 tấn và từ 5-10 tấn mới được đầu tư nên giá thành sản phẩm còn cao, áp lực thu hồi vốn đầu tư lớn. Việc áp dụng mức thuế nhập khẩu hiện hành ở mức cao đối với xe tải nguyên chiếc là phù hợp trong bối cảnh hiện nay nhằm hỗ trợ sản xuất trong nước và hạn chế nhập siêu.
Đối với các loại xe tải có tải trọng từ 10-20 tấn, hiện nay Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã lắp ráp trên cơ sở nhập khẩu phần lớn các loại phụ tùng từ nước ngoài với mức thuế nhập khẩu phụ tùng từ 10-15 %. Vì sản lượng lắp ráp còn hạn chế nên xe tải có tải trọng từ 10-20 tấn lắp ráp trong nước có giá thành chưa cạnh tranh so với xe tải nguyên chiếc cùng loại nhập khẩu. Việc áp dụng mức thuế nhập khẩu hiện hành là 30% cũng là phù hợp với tình hình thực tế.
Do đó, “đề nghị giảm thuế suất thuế nhập khẩu từ 80% xuống 30% đối với xe tải nguyên chiếc có tải trọng dưới 5 tấn; từ 54-55% xuống 25% đối với xe tải nguyên chiếc có tải trọng từ 5-10 tấn; từ 30% xuống 25% đối với xe tải có tải trọng từ 10-20 tấn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô, cũng như việc lắp ráp sản xuất và đầu tư sản xuất phụ tùng linh kiện trọng nước”, Bộ Công Thương nêu rõ quan điểm.
Cơ quan này cũng cho rằng, việc Bộ Tài chính muốn đẩy nhanh lộ trình giảm các mức thuế suất thuế nhập khẩu ôtô tải nguyên chiếc theo cam kết WTO vào thời điểm hiện tại là quá sớm. Bởi thực tế, đến thời hạn cuối cùng là năm 2018, thuế suất thuế nhập khẩu xe tải nguyên chiếc có tải trọng dưới 5 tấn mới giảm xuống 70%, xe có tải trọng từ 5-10 tấn là 50%, có tải trọng từ 10-20 tấn là 50%.
Từ các quan điểm trên kết hợp với đề xuất của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cũng đề nghị nên áp dụng một số mức thuế suất mới giảm nhẹ so với mức hiện tại đến hết năm 2011 để hỗ trợ sản xuất trong nước và hạn chế nhập siêu.
Trong đó, thuế suất thuế nhập khẩu đối với ôtô tải nguyên chiếc có tải trọng dưới 5 tấn được đề xuất là 70%, giảm 10% so với mức hiện hành, ngang bằng mức cam kết WTO vào thời điểm cuối (năm 2018) đồng thời cao hơn 40% so với mức đề xuất của Bộ Tài chính; thuế suất đối với xe 5-10 tấn là 50%, giảm 4-5% so với mức hiện hành, ngang bằng mức cam kết và gấp đôi mức đề xuất của Bộ Tài chính; thuế suất đối với xe 10-20 tấn là 30%, ngang bằng mức hiện hành và cao hơn 5% so với mức đề xuất của Bộ Tài chính; riêng thuế suất đối với xe 20-45 tấn, Bộ Công Thương đồng tình với mức đề xuất của Bộ Tài chính là 15%.