Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bỏ điểm cộng trong tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội: Giảm áp lực cho giáo viên và học sinh

Chi Lê – Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ năm học 2019 – 2020, tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại Hà Nội sẽ không còn điểm cộng cho học sinh (HS) có chứng chỉ học nghề, không áp dụng cộng điểm đối với HS có học lực giỏi, tiên tiến...

Quy định này khiến nhiều phụ huynh, giáo viên và chuyên gia giáo dục vui mừng vì có thể sẽ giảm được tiêu cực trong việc làm đẹp học bạ cho HS.
Học thật, thi thật

Khác với năm trước, HS của kỳ tuyển sinh mới sẽ thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn được công bố vào tháng 3/2019. Ngoài ra, điểm xét tuyển được tính là (điểm thi Toán + Ngữ văn) x 2 + (điểm Ngoại ngữ + điểm môn thứ tư) + điểm cộng thêm. Trong đó, bài thi của các môn tính theo thang điểm 10. Như vậy, ngoài tăng số môn gấp đôi so với năm ngoái, việc xét học bạ, duy trì điểm cộng năm học tới đã không còn.
 Các thí sinh trong kỳ thi vào lớp 10 năm 2017. Ảnh:  Hải Linh
Đón nhận thông tin này, nhiều HS lớp 9 có chút ngạc nhiên và băn khoăn bởi một số em tiếc nuối vì nỗ lực có “điểm đẹp” từ năm lớp 6 đến nay. Tuy nhiên, đa số cho rằng, quy định này sẽ mang lại công bằng cho mọi thí sinh. “Thi 4 môn, lượng kiến thức khá nhiều, nếu học tốt, học đều các môn chắc chắn sẽ có điểm như kỳ vọng, còn ngược lại, các em sẽ phải cố gắng nhiều hơn, đặc biệt trong năm cuối cấp này" - em Nguyễn Thùy Trang – HS trường THCS Đống Đa bày tỏ. Còn em Nguyễn Thùy Linh – HS lớp 9, THCS Lê Quý Đôn (Cầu Giấy) cho biết: “Em có học lực trung bình, khoảng cách về điểm cộng 4 năm học thực sự gây áp lực nặng nề đối với em. Việc bỏ đi điểm cộng này, em cảm thấy tự tin hơn trong việc ôn tập”.

Đồng tình với sự thay đổi này, cô Nguyễn Thị Phương Mai – Tổ trưởng tổ Toán, trường THCS Dịch Vọng (Cầu Giấy) cho biết: “Đây là một quyết định đúng đắn, bởi việc này sẽ giảm áp lực làm đẹp học bạ cho HS, nhằm lấy thành tích của lớp, của trường. Với quy định này, HS và giáo viên sẽ phải dạy, học và thi thực chất”.

Cũng từ năm 2019 tới, việc cộng điểm khuyến khích trong tuyển sinh vào lớp 10 cho HS có chứng chỉ nghề THCS sẽ bị bãi bỏ hoàn toàn. Không còn điểm học nghề sẽ giúp các em nhẹ bớt một môn học, dành thêm thời gian tập trung vào các môn thi.

Không nên quá lo lắng

Trước những thay đổi nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng giáo dục, tạo ra sự công bằng trong thi cử, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - GS.TS Phạm Tất Dong bày tỏ sự đồng tình cao. Đồng thời, ông góp ý, việc thay đổi này cũng cần bổ sung, phải làm rõ thêm quy định về điểm cộng và đối tượng được hưởng điểm cộng thêm trong kỳ thi. Cụ thể, Sở GD&ĐT chỉ nên cho những HS là con em gia đình chính sách, thuộc diện khó khăn được cộng điểm, tránh trường hợp có thí sinh là người dân tộc ở một tỉnh nào đó, đã ra Hà Nội sinh sống nhưng vẫn được hưởng chế độ ưu tiên cộng điểm. “Ngoài ra, nên giữ việc cộng điểm cho HS đoạt giải quốc gia vì như vậy mới tìm kiếm, phát hiện, khuyến khích các em tham gia vào đội tuyển HS giỏi tại các trường” - GS.TS Phạm Tất Dong nói.

Bên cạnh đó, GS.TS Phạm Tất Dong cũng nêu lên tầm quan trọng của việc không ngừng thay đổi phương pháp dạy học trong nhà trường. Đó là cơ sở để đảm bảo đúng mục tiêu giáo dục toàn diện cho các em HS, trong đó, quan trọng là HS không học lệch, học tủ, mà phải học đều các môn học.

Còn cô Nguyễn Thị Phương Mai cũng như các đồng nghiệp hiện đang chờ chỉ dẫn tiếp theo từ phía Sở GD&ĐT Hà Nội bởi việc bỏ đi điểm cộng 4 năm THCS sẽ dẫn đến những thay đổi khác trong cách giảng dạy và đánh giá HS. Tuy nhiên, theo cô Mai, HS, phụ huynh và cả giáo viên không nên quá lo lắng về quy định điểm cộng. “Chỉ cần HS học chắc, nắm vững kiến thức và các kỹ năng chương trình yêu cầu thì dù có hay không có điểm cộng, các em hoàn toàn có thể thi tốt” - cô Mai khẳng định.