Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ GD&ĐT: Các trường phải thiết lập kênh thông tin về bạo lực học đường

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về an ninh, an toàn trong trường học; giáo viên chủ nhiệm phải có kinh nghiệm, năng lực và trách nhiệm để theo sát, quản lý, giáo dục học sinh.

Trước thực tế, gần đây liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường (BLHĐ) ở một số cơ sở giáo dục với tính chất và mức độ phức tạp, nghiêm trọng gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội, Bộ GD&ĐT đã ban hành Chỉ thị 993/CT-BGDĐT. Chỉ thị do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ký, nêu rõ nhiệm vụ của các cơ sở giáo dục.
Các em học sinh đang được trang bị những kỹ năng sống
Theo đó, thủ trưởng cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện về an ninh, an toàn trong nhà trường. Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, cán bộ Đoàn, Đội, nhân viên, học sinh trong chịu trách nhiệm thực hiện quy định về bảo đảm an toàn trường học, phòng, chống BLHĐ.       
Các cơ sở giáo dục xây dựng trường học dân chủ, an toàn, lành mạnh, thân thiện. Cùng với đó, xây dựng và triển khai Bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường theo quy định của Bộ GD&ĐT; phát triển các câu lạc bộ phù hợp với năng khiếu, sở thích, điều kiện và lứa tuổi học sinh. Đồng thời, tăng cường các hoạt động trải nghiệm, hoạt động tập thể, hoạt động xã hội để hình thành, phát triển năng lực và phẩm chất cho học sinh.             
Chỉ thị cũng nêu rõ, các trường xây dựng và triển khai kế hoạch phòng, chống BLHĐ; phân công rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong trường để việc thực hiện kế hoạch hiệu quả. Các trường lựa chọn, bồi dưỡng và cử giáo viên có kinh nghiệm, năng lực và trách nhiệm làm công tác chủ nhiệm để thường xuyên theo sát tình hình, quản lý, giáo dục học sinh. Nhà trường quan tâm các em học sinh cá biệt, học sinh yếu thế để có biện pháp giáo dục, giúp đỡ, bảo vệ phù hợp.
Đặc biệt, các cơ sở giáo dục thiết lập các kênh thông tin về BLHĐ như hộp thư góp ý, đường dây nóng, hệ thống camera giám sát… để chủ động tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin về BLHĐ.
Cán bộ tư vấn tâm lý được bồi dưỡng nâng cao năng lực, trách nhiệm để thường xuyên nắm bắt tâm lý học sinh, kịp thời phát hiện và xử lý những mâu thuẫn, xung đột trong trường học.
Các cơ sở giáo dục tăng cường giáo dục pháp luật, giáo dục về phòng, chống bạo lực học đường trong chương trình và hoạt động giáo dục của nhà trường. Xây dựng các chuyên đề về giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng chống xâm hại, BLHĐ lồng ghép trong các hoạt động giáo dục, hoạt động Đoàn, Đội. Cùng với đó, tổ chức tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống BLHĐ, giáo dục kỷ luật tích cực cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.
Hàng năm gia đình học sinh và cơ sở giáo dục ký cam kết về việc quản lý, giáo dục học sinh; hai bên thường xuyên thông tin hai chiều về hoạt động của nhà trường, tình hình học tập, rèn luyện, các dấu hiệu bất thường và thống nhất biện pháp giáo dục học sinh. Nhà trường hỗ trợ, cung cấp cho cha mẹ học sinh kiến thức, kỹ năng trong việc đồng hành, giáo dục giúp con tiến bộ.
Chỉ thị của Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các cơ sở đào tạo giáo viên phải tiến hành rà soát, cập nhật, đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình, hình thức đào tạo; gắn yêu cầu kiến thức, nghiệp vụ sư phạm với năng lực, phẩm chất nghề nghiệp cho sinh viên. Các trường đào tạo giáo viên tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, thực hành, thực tập để rèn các kỹ năng về sư phạm, giải quyết tình huống sư phạm, tư vấn tâm lý, hỗ trợ học sinh; bồi dưỡng đạo đức nhà giáo, chuyên đề đào tạo về công tác chủ nhiệm lớp cho sinh viên sư phạm.