Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ GD&ĐT chính thức chốt phương án thi quốc gia 2015

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kỳ thi gồm 3 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn; các trường ĐH đủ năng lực được giao nhiệm...

Kinhtedothi - Kỳ thi gồm 3 môn bắt buộc và 1 môn tự chọn; các trường ĐH đủ năng lực được giao nhiệm vụ coi thi, chấm thi; Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu đối với từng môn... là những thông tin chính của phương án  tổ chức kỳ thi THPT quốc gia được ông Trần Ngọc Phương-Chánh văn phòng Bộ GD&ĐT thông tin tại buổi họp báo quý III năm 2014 do Bộ GD&ĐT đang tổ chức chiều nay (9/9).

Theo phương án, từ năm 2015 tổ chức một kỳ thi quốc gia để lấy kết quả để công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ. Kỳ thi quốc gia được tổ chức trung tuần tháng 6. Năm 2015 kỳ thi được tổ chức trong các ngày 9, 10, 11 và 12/6. 

Mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn thi tối thiểu gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí. Kết quả của 4 môn thi tối thiểu được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp và cũng được sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo. Những thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước chỉ đăng ký các môn thi phục vụ cho tuyển sinh ĐH, CĐ.

Ngoài 4 môn thi nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn thi còn lại của kỳ thi để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh ĐH, CĐ theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường ĐH, CĐ quy định trong Đề án tuyển sinh của trường.
Bộ GD&ĐT chính thức chốt phương án thi quốc gia 2015 - Ảnh 1
Những thí sinh không học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn. Thí sinh có chứng chỉ Ngoại ngữ theo quy định do Bộ GD&ĐT công bố sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT môn Ngoại ngữ.

Về đề thi, các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí thi tự luận, thời gian thi 180 phút. Các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ thi trắc nghiệm, thời gian thi 90 phút. 

Đề thi đánh giá thí sinh ở 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, đảm bảo phân hóa trình độ thí sinh.  

Việc coi thi, chấm thi được tổ chức theo cụm. Bộ GD&ĐT sẽ công bố các cụm thi và giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức coi thi, chấm thi cho các trường ĐH đủ năng lực.

Theo phương án này, các sở GD&ĐT kết hợp sử dụng kết quả 4 môn thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm khuyến khích (nếu có) để xét công nhận tốt nghiệp THPT. 

Phương án cũng nêu rõ, trước ngày 1/1 hằng năm, các ĐH, học viện, trường ĐH, CĐ công bố mức độ và cách thức sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh.

Căn cứ kết quả thi, Bộ GD&ĐT công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu đối với từng môn. Các trường ĐH,CĐ sử dụng kết quả kỳ thi dựa trên ngưỡng điểm này để tuyển sinh theo quy định của quy chế. 

Các trường ĐH, CĐ tuyển sinh theo các phương thức khác phải xây dựng và công bố công khai Đề án tự chủ tuyển sinh theo quy định của quy chế.

Đối với thí sinh, căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường ĐH, CĐ và kết quả thi của mình, thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường theo nguyện vọng cá nhân.

Tại các địa phương không có cụm thi do trường ĐH chủ trì, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những thí sinh tham dự kỳ thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, Bộ GD&ĐT sẽ thống nhất với UBND cấp tỉnh tổ chức một số cụm thi do các sở GD&ĐT chủ trì.