Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ GD&ĐT thừa nhận gây hiểu nhầm về môn Lịch sử

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 17/11, trong buổi giao ban lãnh đạo các cơ quan báo chí tại Ban Tuyên giáo T.Ư,...

Kinhtedothi - Sáng 17/11, trong buổi giao ban lãnh đạo các cơ quan báo chí tại Ban Tuyên giáo T.Ư, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển – Thành viên Ban xây dựng Chương trình (CT) Giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể thừa nhận thiếu sót trong bản dự thảo CT trình bày chưa rõ ràng, gây hiểu nhầm và từ một vài người phát biểu không chính xác dẫn đến  xôn xao dư luận.

Về việc cho rằng, Ban xây dựng chương trình không coi trọng giáo dục Lịch sử, để Lịch sử là môn học tự chọn thì rất ít học sinh chọn, chẳng khác gì xóa sổ môn Lịch sử ở cấp THPT, ông Hiển khẳng định: Bộ GD&ĐT không “xóa bỏ” môn Lịch sử, mà trái lại môn Lịch sử còn rất được coi trọng.

Theo Dự thảo CT, tất cả học sinh đều bắt buộc phải học nội dung Lịch sử trong ít nhất 2 môn: Công dân với tổ quốc và một trong hai môn Lịch sử hoặc môn Khoa học xã hội. Ngoài ra, học sinh còn được học Lịch sử trong các môn học khác, nhất là trong môn Ngữ văn và trong các hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Thời lượng bắt buộc học môn Lịch sử trong CT mới chắc chắn sẽ nhiều hơn trong CT hiện hành.
Hội thảo khoa học môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông sáng 15/11
Hội thảo khoa học môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông sáng 15/11 do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức
Việc sắp xếp Lịch sử tích hợp trong môn Công dân với tổ quốc là không trái với yêu cầu giáo dục định hướng nghề nghiệp ở THPT vì đã đảm bảo cho học sinh phân hóa theo hướng: Ngoài môn Công dân với tổ quốc là bắt buộc chung, những học sinh định hướng những ngành nghề liên quan đến lĩnh vực xã hội có thể học môn Lịch sử với yêu cầu cao về kiến thức và khoa học Lịch sử. Và, chọn thêm các chuyên đề mở rộng, nâng cao về Lịch sử. Những học sinh khác thì học môn Khoa học xã hội với yêu cầu nhẹ hơn về Lịch sử.

Phản hồi ý kiến khó tích hợp các mạch kiến thức giáo dục công dân, Giáo dục Lịch sử và Giáo dục quốc phòng – an ninh, ông Hiển nói: “Việc thiết kế môn học mới theo mạch kiến thức dựa theo các môn học truyền thống mà chưa tích hợp thật mạnh như một số nước phát triển đã làm là một giải pháp đã cân nhắn đến năng lực dạy học tích hợp còn hạn chế của đa số giáo viên các môn học hiện nay. Các mạch kiến thức trong từng môn học không phải là  sự sắp đặt cạnh nhau đơn giản mà có sự tích hợp đến mức độ cần thiết. Việc này đảm bảo giáo viên từng môn học hiện nay sẽ dạy được từng mạch kiến thức tương ứng”.

Về tên gọi của môn học chủ yếu dựa vào tính chất của môn học. Công dân với Tổ quốc là môn học có tên mới do vai trò đặc biệt. Không những thế nó còn có ý nghĩa chính trị trong lĩnh vực giáo dục đạo đức công dân, góp phần quan trọng hình thành phẩm chất công dân, nặng lực và trách nhiệm, nghĩa vụ công dân đối với nhiệm vụ Bảo vệ Tổ quốc.

“Ban xây dựng chương trình cho rằng nếu giữ môn học với tên gọi Lịch sử, với logic nội dung kiến thức như hiện nay thì khó đáp ứng được yêu cầu đổi mới”- ông Hiển trả lời về việc cần có môn học riêng với tên gọi Lịch sử.

Ông Hiển cũng cho biết, với tinh thần cầu thị và khoa học Ban xây dựng CT tổng thể sẵn sàng trao đổi và tiếp thu các ý kiến góp ý hợp lý để điều chỉnh, bổ sung, sửa chữa để có một CT GDPT tổng thể tốt nhất.

Tuy nhiên, trước đó, ngày 15/11, tại hội thảo khoa học Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức, nhiều chuyên gia sử học, giáo viên Lịch sử đều kiến nghị Lịch sử phải là môn học độc lập, bắt buộc trong CT THPT mới. Nếu ghép Lịch sử, Giáo dục công và và Giáo dục quốc phòng – an ninh vào môn Công dân với tổ quốc là thiếu khoa học, cơ sở thực tiễn và chưa từng có tiền lệ. Và cách ghép như thế là đồng nghĩa với “khai tử” môn Lịch sử.