Theo đó, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT Nguyễn Duy Anh cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản gửi các sở GD&ĐT về việc tăng cường thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các bếp ăn bán trú, kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm, quy trình giao nhận, bảo quản thực phẩm, tăng cường tuyên truyền, giáo dục học sinh về an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh.
Trước đó khoảng giữa tháng 2/2019, một số phụ huynh đăng video ghi lại món thịt lợn có dấu hiệu của bệnh sán gạo trong bữa ăn tại trường mầm non Thanh Khương. Ngay sau đó, tập thể phụ huynh lên gặp Ban giám hiệu nhà trường phản ánh, nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng. Được biết, đơn vị cung cấp thực phẩm cho 19 xã (21 trường học) trên địa bàn huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) là Công ty Hương Thành.
Tính đến sáng 16/3, tổng cộng hơn 1.700 trẻ trên địa bàn đã đổ về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư và Viện Sôt rét - Ký sinh trùng- Côn trùng T.Ư để làm xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm đến thời điểm chiều 15/3 có 57 trẻ bị nhiễm sán lợn.
Theo Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư Nguyễn Văn Kính, nguyên nhân khiến các em bị nhiễm sán lợn có thể từ nhiều nguồn khác nhau. Nhiễm từ bao giờ cũng chưa biết được. Tuy nhiên, đây không phải là bệnh nguy hiểm, không cần cách ly nên phụ huynh cần bình tĩnh và nên cho con em đi học bình thường. Danh sách các cháu bị nhiễm sán lợn BV đã có và sẽ tư vấn cụ thể cho gia đình để điều trị cho các cháu.
“Việc điều trị có thể ngoại trú và với phác đồ điều trị hiện nay, việc diệt sán trưởng thành chỉ 1 ngày nhưng để tiêu diệt toàn bộ trứng thì phải mất 2 tuần. Bệnh nhân sẽ chỉ cần uống đủ thuốc trong vòng 15 ngày có thể tiêu diệt hết” – ông Nguyễn Văn Kính cho hay.