Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ Giao thông bàn giao 5 tổng công ty lớn về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc bàn giao được thực hiện trong cuộc họp diễn ra vào chiều 12/11 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ.

Lễ bàn giao 5 tổng công ty ngành giao thông về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước. Ảnh: Đình Quang

Danh sách 5 tổng công ty được chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước gồm: Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Cảng Hàng không (ACV). Tổng tài sản của 5 Tổng công ty này lên tới 275.000 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước hơn 46.000 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc chuyển chức năng đại diện vốn nhà nước phân tán của các bộ về Ủy ban không hề làm suy giảm, ngược lại còn tạo điều kiện cho các bộ ngành làm tốt hơn chức năng quản lý nhà nước của mình.
Phó Thủ tướng đánh giá cao tính tích cực, chủ động, trách nhiệm của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và Bộ Giao thông vận tải (GTVT) để việc chuyển giao được thực hiện nhanh chóng và thuận lợi.
Sau khi chuyển giao, Bộ GTVT vẫn có trách nhiệm xây dựng hệ thống pháp luật và văn bản pháp luật; xây dựng và hoạch định chiến lược phát triển; thiết lập hệ thống định mức, tiêu chuẩn; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên quan quản lý nhà nước; thanh kiểm tra việc tuân thủ pháp luật đối với các tổng công ty vừa được chuyển giao.
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước Nguyễn Hoàng Anh khẳng định, sau khi 5 Tổng công ty được chuyển giao về, Ủy ban sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT, tập trung sản xuất kinh doanh, nghiêm túc thực hiện sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu DN.
Về phía Bộ GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho rằng, việc chuyển giao 5 Tổng Công ty thuộc Bộ GTVT về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN nhằm thực hiện công tác quản lý các DN theo mô hình mới. Mục tiêu là để hoạt động của các tổng công ty này ngày càng hiệu quả hơn, quản lý chặt chẽ hơn và sử dụng nguồn vốn nhà nước một cách tốt nhất.
Lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định, với trách nhiệm của mình, Bộ GTVT cam kết phối hợp chặt chẽ với Ủy ban quản lý vốn Nhà nước để tham gia ý kiến hoặc đề xuất các giải pháp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước để có thể trình Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ để giải quyết căn bản những vấn đề còn đang vướng mắc tồn tại ở các tổng công ty, đặc biệt là ở VEC, ACV, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.