Bộ Giao thông liệu có đảm bảo mục tiêu "bứt phá" hạ tầng cao tốc?

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Bứt phá” là mục tiêu Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề ra trong việc thực hiện mạng lưới cao tốc trong năm 2024. Tuy nhiên, liệu mục tiêu này có thể hiên thực hóa?

Mục tiêu của Bộ GTVT trong năm 2024 là đưa 130km cao tốc vào khai thác.
Mục tiêu của Bộ GTVT trong năm 2024 là đưa 130km cao tốc vào khai thác.

Mục tiêu cụ thể

Bộ GTVT vừa ban hành Chỉ thị về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024. Theo đánh giá của Bộ GTVT, năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trong 5 năm (2021 – 2025) của đất nước.

Để thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế – xã hội năm 2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01 ngày 5/1/2024 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 với phương châm hành động "Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững".

Trong đó, ngành GTVT được giao nhiệm vụ và giải pháp cụ thể là "Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, đường cao tốc, liên vùng, ven biển và các chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao".

Trong điều kiện tình hình thế giới, khu vực vẫn còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; dự báo trong năm 2024, ngành GTVT tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi đang triển khai đồng loạt nhiều dự án quan trọng quốc gia với quy mô lớn, công tác GPMB mặc dù đã đi sớm một bước nhưng vẫn còn tồn tại, vướng mắc, tình hình cung ứng nguyên vật liệu, đặc biệt là nguồn cát đắp vẫn còn khó khăn, thời tiết, thiên tai diễn biến phức tạp khó lường...

Trên cơ sở phát huy, kế thừa những kết quả đạt được, khắc phục các tồn tại, hạn chế của năm 2023; quán triệt thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ nhằm triển khai các dự án đáp ứng tiến độ, chất lượng, phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao năm 2024, bảo đảm công khai, minh bạch, không tiêu cực, thất thoát, lãng phí trong quá trình thực hiện.

"Yêu cầu thủ trưởng các chủ đầu tư, ban QLDA, các cơ quan tham mưu có liên quan của Bộ GTVT cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu, quyết tâm cao nhất, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đoàn kết, đồng lòng trong thực hiện nhiệm vụ được giao ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm 2024" - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu.

Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư, ban QLDA khẩn trương triển khai phân khai dự toán chi (TABMIS) theo kế hoạch được giao cho các dự án tại Quyết định 1767 ngày 29/12/2023 của Bộ trưởng Bộ GTVT theo đúng tiến độ yêu cầu; đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục thanh toán với Kho bạc Nhà nước khi có khối lượng được nghiệm thu; kịp thời thực hiện ghi thu, ghi chi vốn ODA và vay ưu đãi đã thực hiện với Kho bạc Nhà nước…

Theo yêu cầu của Bộ GTVT, các chủ đầu tư, ban QLDA phải lập kế hoạch giải ngân chi tiết theo từng tháng, quý, xác định "đường găng" giải ngân đối với từng dự án, báo cáo Bộ GTVT trong tháng 1/2024 làm cơ sở cơ sở điều hành và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch của đơn vị.

Đồng thời phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư, thiết kế, dự toán, đấu thầu lựa chọn nhà thầu, tư vấn đối với các dự án khởi công mới, đặc biệt đối với các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022.

Vật liệu vẫn là bài toán khó của các dự án cao tốc.
Vật liệu vẫn là bài toán khó của các dự án cao tốc.

Bài toán cần giải ngay

Các chuyên gia cho rằng, mục tiêu mà Bộ GTVT đề ra nằm trong khả năng hiện thực hóa. Tuy nhiên, để làm hoàn thành, cơ quan này cần sự trợ giúp của rất nhiều cơ quan, đơn vị liên quan. Một trong những bài toán nan giải nhất mà Bộ GTVT cần giải để đưa mục tiêu cao tốc hiện thực hóa chính là vấn đề vật liệu.

Theo thông tin Cục Quản lý đầu tư xây dựng, với 2 Dự án thành phần Cao tốc Bắc-Nam đoạn từ Cần Thơ đến Cà Mau, nguồn vật liệu cát đắp nền khoảng 18,4 triệu m3, đến nay việc cung cấp cát còn hạn chế, chưa đáp ứng kế hoạch.

Cụ thể, tỉnh An Giang đã xác định nguồn cho dự án 6,09 triệu m3, trong đó đã hoàn thiện thủ tục khai thác cung ứng cho dự án 1,56 triệu m3; đang hoàn thiện thủ tục để khai thác 5 mỏ mới với trữ lượng 4,52 triệu m3; còn 0,9 triệu m3 chưa xác định được nguồn cung.

Tỉnh Đồng Tháp đã xác định được nguồn cho dự án 7 triệu m3, trong đó đã hoàn thiện thủ tục để khai thác 4,37 triệu m3 (tăng công suất, mỏ hiện hữu 0,97 triệu m3 và 5 mỏ mới 3,39 triệu m3); đang hoàn thiện thủ tục 2 mỏ với trữ lượng 2,7 triệu m3.

Tỉnh Vĩnh Long đã xác định được nguồn cho dự án 2,98 triệu m3 (từ một mỏ đang khai thác 0,5 triệu m3 và 3 mỏ mở mới 2,48 triệu m3), trong đó hoàn thành thủ tục cấp cho dự án 0,5 triệu m3; đang hoàn thiện thủ tục đối với 3 mỏ với trữ lượng 2,48 triệu m3; còn 2,02 triệu m3 chưa xác định được nguồn cung.

Về tình hình cung ứng, báo cáo của Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho thấy hiện nay đã đưa về công trường tổng cộng 1,56 triệu m3, trung bình mỗi ngày được 19.000m3, trong đó tỉnh An Giang 0,3 triệu m3 với công suất khoảng 4.000m3/ngày; tỉnh Đồng Tháp 1,26 triệu m3 với công suất 15.000m3/ngày; tỉnh Vĩnh Long cần phải tuyển rửa nên mới lấy được 2.300 m3.

Với 10 dự án thành phần Cao tốc Bắc-Nam đoạn từ tỉnh Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, các nhà thầu đã trình 14/14 hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác cát với tổng trữ lượng 4,54 triệu m3; 50/74 hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác đất với tổng trữ lượng 65,31 triệu m3; ủy ban nhân dân các tỉnh đã xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác 12/13 mỏ cát, 46/56 mỏ đất (tăng thêm một mỏ cát, 6 mỏ đất so với thời điểm tháng 11/2023).

Tuy nhiên, các nhà thầu mới khai thác được 8/11 mỏ cát với trữ lượng khoảng 3,3 triệu m3, đáp ứng 63% nhu cầu và 33/46 mỏ đất với trữ lượng khoảng 28,31 triệu m3 đáp ứng 60% nhu cầu. Các mỏ còn lại mặc dù đã được chấp thuận bản đăng ký khối lượng khai thác nhưng đến nay các nhà thầu, địa phương vẫn đang thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng rừng.

Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT thừa nhận rằng thực tế nguồn cung vật liệu chậm trễ bởi các nhà thầu gặp khó khăn trong việc thỏa thuận với các chủ sở hữu đất khu vực mỏ về chi phí chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất; công suất các mỏ cát đang khai thác trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi) chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu xử lý nền đất yếu.

Vì vậy các nhà thầu phải chủ động làm việc với các cơ quan của địa phương để hoàn thiện thủ tục khai thác các mỏ cấp mới, đáp ứng tiến độ yêu cầu; việc thực hiện thủ tục mở các mỏ cát mới chậm đồng thời công suất khai thác chưa đáp ứng được yêu cầu tiến độ dự án.

Để giải  bài toán trên, Bộ GTVT yêu cầu Cục Quản lý đầu tư xây dựng và Cục Đường cao tốc Việt Nam kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Bộ GTVT làm việc với các địa phương, bộ, ngành để xử lý các khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB, nguồn cung cấp vật liệu vượt thẩm quyền xử lý của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án.

 

Bộ GTVT yêu cầu Cục Quản lý đầu tư xây dựng và Cục Đường cao tốc Việt Nam cần tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện đầu tư đối với các dự án do Bộ GTVT là cơ quan chủ quản; thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước, hỗ trợ kỹ thuật đối với các dự án do địa phương, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan chủ quản, đặc biệt là các dự án quan trọng quốc gia, đường cao tốc, đường liên kết vùng và các dự án trọng điểm, như: Các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Biên Hòa - Vũng Tàu, Tuyên Quang - Hà Giang, đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận và đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn; Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất...). Trong năm 2024 phải đưa vào khai thác, sử dụng ít nhất 130km đường bộ cao tốc, sớm hoàn thành nâng cấp các tuyến luồng hàng hải vào cảng Cái Mép - Thị Vải, cảng Nam Nghi Sơn.