Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ GTVT đề xuất giải pháp gỡ vướng trong đấu thầu

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có đề xuất hiến kế một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho công tác lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu trong công tác đầu thầu.

Trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT), Bộ GTVT đề nghị bổ sung vào Luật Đấu thầu quy định những nhà thầu có lịch sử không hoàn thành hợp đồng trong khoảng thời gian từ 3-5 năm sẽ bị loại trong bước đánh giá năng lực, kinh nghiệm.
 Bộ GTVT kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong công tác đấu thầu (Nguồn: Internet)
Theo lý giải của Bộ GTVT, hiện nay quy định này chưa có trong mẫu hồ sơ mời thầu (HSMT) xây lắp ban hành theo Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu xây lắp. Do đó cần bổ sung vào Luật Đấu thầu để tăng hiệu lực pháp lý, hiệu quả quản lý nhà nước.
Về quá trình quản lý, xử lý nhà thầu vi phạm các quy định trong đấu thầu, Bộ GTVT cũng đề nghị Chính phủ và Bộ KH&ĐT nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định xử lý đối với một số trường hợp cụ thể.
Một là, trong trường hợp nhà thầu không hoàn thành hợp đồng là cảnh cáo nhà thầu trúng thầu nhưng cố tình không tiến hành thương thảo, hoàn thiện hợp đồng hoặc đã thương thảo, hoàn thiện hợp đồng nhưng không ký hợp đồng.
Hai là, nhà thầu đã ký hợp đồng nhưng cố tình không thực hiện một phần hay toàn bộ hợp đồng. Và, ba là, nhà thầu thực hiện gói thầu dịch vụ tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu EPC không bảo đảm chất lượng và tiến độ theo thỏa thuận trong hợp đồng. Theo Bộ GTVT, những tổ chức, cá nhân có từ 2 hành vi vi phạm trở lên bị cảnh cáo theo quy định trên cũng cần cấm tham gia hoạt động đấu thầu.
Đối với tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra và tư vấn giám sát, Bộ GTVT kiến nghị Bộ KH&ĐT đánh giá, nghiên cứu bổ sung các chế tài mạnh hơn để xử lý trách nhiệm của các đơn vị này trong trường hợp để xảy ra sai phạm.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT đề nghị Bộ KH&ĐT rà soát lại các chính sách tín dụng, kiểm tra giám sát các hoạt động tín dụng trong đầu tư phát triển hạ tầng; chỉ đạo ngân hàng thương mại tăng cường công tác thẩm định, đánh giá rủi ro, quản lý chặt chẽ việc sử dụng, giải ngân nguồn vốn vay, nguồn vốn sở hữu của doanh nghiệp dự án, doanh thu dự án; nghiên cứu trình Chính phủ ban hành chính sách, cơ chế thị trường vốn dài hạn đầu tư kết cấu hạ tầng.