Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bộ LĐTB&XH kiến nghị Bộ GD&ĐT quản hệ cao đẳng, vì thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Trước kiến nghị của Hiệp hội các trường đại học cao đẳng Việt Nam về việc chuyển hệ thống cao đẳng về Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH đã phản đối vì cho rằng thiếu cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn.

Hai sai lầm rất nghiêm trọng
Hiệp hội các trường đại học cao đẳng (CTĐHCĐ) Việt Nam đã có văn bản gửi Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực Chính phủ về việc chuyển vai trò quản lý nhà nước hệ đào tạo cao đẳng từ Bộ LĐTB&XH về Bộ GD&ĐT.
Hiệp hội CTĐHCĐ Việt Nam cho rằng, từ đầu năm 2017 công tác quản lý nhà nước đối với hệ cao đẳng không còn do Bộ GD&ĐT đảm nhiệm, tạo “điểm nghẽn” cản trở phân luồng học sinh sau THCS và phát triển nguồn nhân lực.
 Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Tấn Dũng cho rằng: Bộ LĐTB&XH quản lý nhà nước về GDNN sẽ phát huy những lợi thế của ngành.
 Hiệp hội CTĐHCĐ Việt Nam cũng chỉ rõ một số lệch lạc trong quản lý đào tạo hệ cao đẳng và đang phạm phải ít nhất hai sai lầm rất nghiêm trọng.
Thứ nhất, khi trình độ người lao động đa số chỉ cần đạt trung học nghề là đủ (do công nghiệp chế tạo còn chưa giữ vai trò chủ chốt trong nền kinh tế của đất nước) nhưng nếu cơ quan quản lý lại nâng cấp  ồ ạt các trường trung cấp nghề lên thành cao đẳng trong khi chương trình vẫn không thay đổi đáng kể theo chuẩn thì sẽ dẫn tới tình trạng đào tạo “siêu tốc”. Thí dụ, hình thức đào tạo đang được quảng bá rầm rộ trên các phương tiện truyền thông “tốt nghiệp trung học cơ sở, học 3 năm có bằng cao đẳng, nhận danh hiệu kỹ sư thực hành”.
Thứ hai, thời gian qua có sự nhầm lẫn nghiêm trọng giữa cao đẳng nghề và cao đẳng chuyên nghiệp về mục tiêu đào tạo. Cao đẳng nghề đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp sản xuất nên chương trình có thể có tỷ lệ thời gian học lý thuyết – thực hành khoảng 30 : 70 là phù hợp; nhưng cao đẳng chuyên nghiệp đào tạo ra các kỹ thuật viên thì đòi hỏi phải có tỷ lệ tương xứng giữa thời gian học lý thuyết và thực hành của người học, chứ không phải giống như cao đẳng nghề.
“Việc nhầm lẫn mục tiêu đào tạo dẫn tới thủ tiêu nguồn nhân lực “kỹ thuật viên”, làm méo mó cơ cấu nguồn nhân lực cần cho sự công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” Hiệp hội CTĐHCĐ Việt Nam khẳng định.
Để khắc phục hạn chế trong quản lý nhà nước đối với hệ cao đẳng, Hiệp hội CTĐHCĐ Việt Nam kiến nghị Quốc hội sớm điều chỉnh Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) theo định hướng: Đưa trình độ cao đẳng về trở lại bậc giáo dục đại học; đổi tên Luật GDNN thành Luật Giáo dục nghề với các trình độ: Sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao cấp nghề...
Hiệp hội CTĐHCĐ Việt Nam cũng kiến nghị đưa quản lý nhà nước về đào tạo cao đẳng về chung một đầu mối với các cấp độ khác thuộc giáo dục đại học, tức là về lại Bộ GD&ĐT.
Bộ LĐTB&XH quản lý giáo dục nghề nghiệp sẽ phát huy lợi thế
Trước kiến nghị của Hiệp hội CTĐHCĐ Việt Nam về việc chuyển vai trò quản lý nhà nước hệ đào tạo cao đẳng từ Bộ LĐTB&XH về Bộ GD&ĐT, Bộ LĐTB&XH đã có phản hồi. Theo đó, ngày 13/5/2021, Bộ LĐTB&XH có văn bản gửi Bộ Nội vụ, nêu rõ: Trước đó, khi xây dựng Luật GDNN, quan điểm đưa trình độ cao đẳng vào GDNN được bàn bạc nhiều và đã được sự nhất trí của Bộ Chính trị, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Quan điểm của Bộ GD&ĐT khi xây dựng Luật GDNN là “thống nhất gộp chung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, đề xuất gộp cao đẳng để thống nhất với khung tham chiếu các trình độ ASEAN”.
 Việt Nam đã 3 lần đạt giải nhất toàn đoàn dự thi tay nghề ASEAN, 3 lần đạt huy chương và nhiều chứng chỉ xuất sắc tại các cuộc thi tay nghề thế giới.
Hiện nay, GDNN đang được Đảng, Nhà nước, Quốc hội quan tâm và đã đạt được những kết quả tích cực. Mạng lưới cơ sở GDNN, nhất là các trường cao đẳng phát triển, phân bố tương đối hợp lý ở các ngành kinh tế, địa phương, vùng, miền; các điều kiện bảo đảm chất lượng ngày càng được tăng cường, nhất là các trường cao đẳng. Có trên 60 trường cao đẳng đạt tiêu chuẩn chất lượng của Australia, Đức, Anh và Mỹ để đào tạo chương trình của nước ngoài tại Việt Nam. Chất lượng hiệu quả đào tạo đã được nâng lên (trên 80% học sinh, sinh viên tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp); nhiều sinh viên trong các chương trình chuyển giao từ nước ngoài đã trở thành những chuyên gia, kỹ thuật viên nòng cốt trong các doanh nghiệp FDI...
Việt Nam đã 3 lần đạt giải nhất toàn đoàn dự thi tay nghề ASEAN, 3 lần đạt huy chương và nhiều chứng chỉ xuất sắc tại các cuộc thi tay nghề thế giới (tháng 8/2019 tại Kỳ thu tay nghề thế giới tổ chức tại Nga. Đoàn Việt Nam đã giành 1 Huy chương Bạc, 8 Chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc, đứng thứ 25 trên tổng số 63 quốc gia và vùng lãnh thổ dự thi...
 “Việc Bộ LĐTB&XH quản lý nhà nước về GDNN sẽ phát huy những lợi thế của ngành LĐTB&XH. Đồng thời gắn GDNN với lao động, việc làm, thị trường lao động, an sinh xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả GDNN” – Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Tấn Dũng khẳng định.
Từ những căn cứ pháp lý, định hướng phát triển GDNN của Đảng, Nhà nước; căn cứ khoa học, xu hướng và thực tiễn hiện nay cho thấy việc Hiệp hội CTĐHCĐ Việt Nam kiến nghị đổi tên Luật GDNN thành Luật Giáo dục nghề; đưa trình độ cao đẳng về trở lại bậc giáo dục đại học; đưa quản lý nhà nước về đào tạo cao đẳng về Bộ GD&ĐT còn thiếu những cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, chưa đúng với chủ trương, định hướng phát triển GDNN của Đảng, Nhà nước và chưa đúng với Hiến pháp.
Bộ LĐTB&XH kiến nghị giữ ổn định hệ thống giáo dục, đào tạo hiện nay theo các quy định của hệ thống pháp luật về giáo dục, đào tạo hiện hành. Đồng thời đẩy mạnh hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THPT vào GDNN để bảo đảm đạt chỉ tiêu phân luồng học sinh sau THCS vào GDNN theo Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 5/12/2011 của Bộ Chính trị và Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ LĐTB&XH sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT sớm ban hành thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT và việc giảng dạy văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN; cho phép các cơ sở GDNN được tham gia giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT và chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT tại cơ sở GDNN./.