Phát biểu tại một cuộc họp tổ chức ngày thứ 4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức Martin Schaefer cho biết, các công ty châu Âu, đặc biệt là giới doanh nghiệp Đức đang lo ngại vì việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật trừng phạt Nga như một công cụ nhằm tạo lợi thế thương mại cho Washington.
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel lên án dự luật này đang chấm dứt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên Nga sang thị trường châu Âu. Ảnh: AFP |
Trước đó, hôm 25/7, với 419 phiếu thuận và 3 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã phê chuẩn dự luật áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, Iran và Triều Tiên, đồng thời giới hạn khả năng của ông Trump trong việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga.
Dự luật trừng phạt này nhắm tới các ngành công nghiệp quốc phòng, tình báo, khai mỏ, đóng tàu và đường sắt của Nga. Đồng thời, hạn chế giao dịch với các ngân hàng và công ty năng lượng của Moscow.
Dự luật này cho rằng dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 của Nga là một mối đe dọa đối với an ninh năng lượng của Ukraine và Liên minh châu Âu (EU). Dự luật trừng phạt Nga đề xuất cung cấp cho các đồng minh của Mỹ các gói viện trợ tài chính để đối phó với mối ảnh hưởng được cho là từ phía Moscow và các cuộc tấn công mạng có thể bởi các hacker Nga.
Việc bỏ phiếu tại Hạ viện mới chỉ là bước đầu tiên trong quá trình thông qua dự luật. Dự luật cần phải được Thượng viện Mỹ phê chuẩn trước khi trình Tổng thống Trump ký thành luật. "Điều này không chỉ khiến ngành công nghiệp Đức lo ngại. Lệnh trừng phạt Nga không được phép trở thành công cụ của một chính sách công nghiệp nhằm gia tăng lợi ích thương mại cho Mỹ", ông Schaefer nói.
Chính phủ Đức cho rằng, các lệnh trừng phạt mới mà Mỹ áp đặt với Nga không được nhằm vào lợi ích thương mại của EU.
Theo Bộ Ngoại giao Đức, sự hợp tác gần gũi giữa Mỹ và EU trong các chính sách trừng phạt của họ là cần thiết.
Dự luật trừng phạt Nga của Mỹ, dù chưa được chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua, nhưng đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của EU và Chính phủ Đức.
Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel và Thủ tướng Áo Christian Kern lên án dự luật này đang chấm dứt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên Nga sang thị trường châu Âu.
Chủ tịch Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker ngày 24/7 cũng bày tỏ lo ngại về thực tế rằng các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc liên quan đến lĩnh vực năng lượng nhằm vào Nga có thể được sử dụng chống lại các công ty châu Âu liên quan tới sự phát triển hoặc hoạt động của các đường ống dẫn xuất khẩu năng lượng ở Nga hoặc tại châu Âu.