Vài tháng trước, tôi có một ý tưởng táo bạo ở mức độ khủng khiếp là một mình dắt ba đứa nhỏ đến thư viện, đứa bé nhất còn ẵm ngửa, hai đứa con gái còn lại một đứa hai tuổi, một đứa vừa lên năm.
Con gái lớn của tôi, vốn là cô chị cả đầy trách nhiệm, đã túm chân em kéo ngay xuống khiến tôi hết hồn. Ba chân bốn cẳng, tôi cố lao ra kiểm soát tình hình trong khi thằng bé nhất vẫn ngậm ti mẹ còn chiếc khăn trùm loại dành cho phụ nữ cho con bú ở nơi công cộng thì vẫn lơ lửng trên cổ tôi.
Thế mà không kịp. Elena, đứa thứ hai, khóc toáng cả lên, còn tôi thì nhận ra mình chưa bao giờ bị nhiều cặp mắt vừa khó chịu vừa mỉa mai đổ dồn vào đến thế. Tôi có thể cảm thấy những bà mẹ khác đang nhìn tôi chằm chằm, phê phán tôi làm mẹ chẳng ra sao trong khi một tay kéo con gái đang la khóc ra khỏi thư viện, tay kia vẫn đang bế thằng nhóc mới sinh.
Thế mà đã có lúc tôi tuyệt đối tin tưởng rằng mình không bao giờ phải trải qua những lúc như thế này, vì tôi có một kỹ năng làm mẹ phải nói là ưu tú. Ha! Thế mà nhìn xem, tôi vừa bối rối đấy.
Trước khi tròn 2 tuổi, con gái lớn của tôi hiếm khi xem TV. Cháu chỉ ăn thức ăn tươi, uống nước từ cốc riêng không chứa chất BPA, và tôi đọc truyện cho con nghe 1 tiếng mỗi ngày. Con bé là đứa trẻ điềm tĩnh, ham đọc, và cư xử rất ngoan. Tới nỗi khi gặp những đứa trẻ khác “hoang dã” hơn, ngang ngạnh, vô lễ, tôi còn cho rằng đấy là vì bố mẹ nó nuôi dạy thiếu kỷ luật, cho xem TV quá nhiều hoặc là nó... thiếu ngủ.
Rồi tôi có Elena. Cũng như chị nó, Elena không xem TV nhiều, ăn thức ăn tươi, uống nước từ cốc nhựa không chứa BPA, cũng được đọc truyện cho nghe, tức là nó được nuôi dạy y như chị, với kết quả thu được... hoàn toàn khác. Con bé có phần thô bạo, thích giao du, và hay có hành động tỏ ra tình cảm. Chưa hết, nó thích la hét chốn đông người. Không ít lần tôi phải lấy tay bịt miệng nó lại trong nhà hàng. Cô con gái bé nhỏ, nóng nảy này giúp tôi nhận ra sai lầm trong cách phán xét của mình trước kia.
Để phê phán các ông bố bà mẹ trong việc nuôi dạy con thì dễ lắm, từ việc họ thiết lập kỷ luật với con thế nào cho đến họ cho con ăn gì và ăn ra sao. Tôi bắt đầu làm mẹ như một chiến binh “nói không với TV” sau khi đọc một loạt các bài viết về ảnh hưởng của nó tới não bộ cũng như khả năng tiếp nhận thông tin của trẻ. Tôi tránh dùng đồ nhựa, khi phải dùng tôi sẽ rửa bằng tay ở nhiệt độ nước mát, để không có chất độc nào thôi ra thực phẩm được như ở nhiệt độ cao. Tôi thề là làm mọi việc có thể để tạo ra cuộc sống “hoàn hảo” cho các con mình.
Thế nhưng bây giờ, tôi giống một bà mẹ “thời vụ” hơn. Đứa trẻ thứ ba ra đời khiến tôi hết tham vọng vừa duy trì những quy chuẩn của mình trong việc nuôi con vừa dành được cả thời gian chăm sóc bản thân. TV đã trở thành công cụ giải trí đôi khi hữu ích cho bọn trẻ (và cho cả tôi) những lúc tôi có công việc phải hoàn thành (hoặc cần chợp mắt). Tôi trở nên dễ dàng chấp nhận hơn, và đằm thắm hơn. Tôi cố gắng không phán xét những bà mẹ khác, bởi biết rằng có khi rồi mình cũng rơi ngay vào hoàn cảnh của cô ấy lúc này.
Những “cuộc khủng hoảng” diễn ra nơi công cộng như tôi đã gặp ở thư viện có thể mang đến bài học vô giá và nhắc nhở chúng ta rằng, có những lúc ta sẽ nói “thề không bao giờ...” nhưng rồi điều ấy vẫn xảy ra. Thay vì hao tổn năng lượng và những chuyện không đâu, cố gắng huấn luyện con theo “cách làm cha mẹ đúng” trong đầu bạn, hãy cứ mở lòng, cứ làm điều mà bạn “thề không bao giờ làm”. Như thế giúp bạn trở thành một bà mẹ tốt hơn, không áp lực. Nhớ rằng cho đến tận bây giờ, cô bạn gái của bạn cũng đang làm điều cô ấy “thề không bao giờ làm” trong việc nuôi dạy con đấy!