Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bỏ phố lên rừng trồng “vàng xanh”

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - 10 năm qua, có một người phụ nữ ngoài 40 tuổi đã rong ruổi khắp nơi tìm kiếm với mong muốn bảo tồn và phát triển cây trà hoa vàng trước mối đe dọa tuyệt chủng. Đó là chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền, một phụ nữ gốc Huế.

Toàn cảnh vùng dược liệu tại xã Bắc Sơn nhìn từ trên cao. Ảnh: Lâm Nguyễn
Loại cây được xem là biệt dược “vàng xanh” hiện đang phủ kín những ngọn đồi thuộc xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội.
Vườn dược liệu trù phú

Từ Quốc lộ 3 rẽ vào đường 35, chạy xe vòng quanh hồ Cầu Bãi, chúng tôi tìm đến Hợp tác xã (HTX) Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn tại thôn Phú Xuân (xã Bắc Sơn). Ngay khi bước chân tới cổng, hương thơm của hàng trăm loại cây dược liệu khiến bất cứ ai cũng cảm thấy khoan khoái, dễ chịu. Chỉ tay về phía những ngọn đồi xanh mướt phía xa, chị Tuyền cho biết: Đó là nơi hàng nghìn cây trà hoa vàng đang được gieo trồng. Cả vùng dược liệu rộng khoảng 5ha thì có tới 4ha được chị Tuyền sử dụng để phát triển loại dược liệu này.
Mô hình liên kết bảo tồn trà hoa vàng nói riêng, các loại dược liệu nói chung giữa HTX nơi chị Tuyền làm chủ và nhiều hộ nông dân đang phát huy hiệu quả tích cực. Việc trồng xen cây trà hoa vàng và các loại dược liệu khác có thể cho doanh thu hàng trăm triệu đồng/ha/năm, qua đó góp phần cải thiện đời sống cho người nông dân. Cây dược liệu cũng là hướng đi mà địa phương đang tập trung phát triển, nhân rộng tại những diện tích canh tác đồi gò…”. 
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vi Thị Bình Anh

Chị Tuyền cho hay, trà hoa vàng là loài cây dược liệu quý. Lá và hoa vàng sắc uống có tác dụng điều chỉnh các chất béo trong cơ thể, kiềm chế sinh trưởng của các khối u, giảm hàm lượng cholesterol trong máu, giảm triệu chứng xơ vữa động mạch, điều hòa huyết áp và chữa các bệnh về tim mạch, tiểu đường… Cũng bởi nhiều tác dụng có lợi cho sức khỏe mà trà hoa vàng được nhiều người ưu ái, đặt cho các tên là biệt dược “vàng xanh”.

Thực tế, trà hoa vàng đã từng được tìm thấy tại vùng núi Ba Chẽ (Quảng Ninh), Cúc Phương (Ninh Bình), Tam Đảo (Vĩnh Phúc)… Tuy nhiên, cũng bởi có nhiều tác dụng nên trà hoa vàng bị người dân tại các địa phương khai thác quá mức. Không ít người hám lợi, còn chặt hạ cả những cây con. Bên cạnh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, trà hoa vàng còn được bán sang Trung Quốc; từ đó dẫn tới tình trạng trà hoa vàng suy giảm nhanh về số lượng và ngày một trở nên khan hiếm.

Sau nhiều năm nỗ lực, đến nay chị Tuyền đã nhân giống được trên 12.000 cây trà hoa vàng. Khu bảo tồn và phát triển trà hoa vàng hiện đang được xây dựng theo hướng hữu cơ. Dù mô hình canh tác hữu cơ khiến chi phí sản xuất cao hơn, nhưng chị Tuyền tâm niệm: Đã là dược liệu thì phải thật sạch mới thực sự tốt cho sức khỏe. Đó cũng chính là lý do nhiều năm qua chị đeo đuổi theo hướng canh tác hữu cơ cho vùng dược liệu quý này.

Đến nay, tất cả các vùng sản xuất dược liệu, trong đó có trà hoa vàng của chị Tuyền đều đã được Viện Nghiên cứu đào tạo và Tư vấn khoa học công nghệ (Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam) xác nhận là mô hình sản xuất dược liệu theo hướng hữu cơ bền vững áp dụng công nghệ Anisaf SH-01 trong bảo vệ thực vật. Đây cũng được xem là một trong những vùng dược liệu hữu cơ lớn nhất cả nước hiện nay.

Bỏ tiền túi đi làm bảo tồn

Theo tìm hiểu, ở Việt Nam hiện có khoảng 40 loài trà hoa vàng thì tại vườn dược liệu trù phú nơi vùng đồi gò của huyện Sóc Sơn này đã có tới 26 loài. Phổ biến nhất là: Camellia Hirsuta, Camellia Tadaoensis, Camellia Euphlebia, Camellia Hakodea, Camellia Tienni, hay Camellia Phanii…

“Sắp tới tôi sẽ vào Vườn Quốc gia Nam Cát Tiên (Đồng Nai) và cao nguyên Lâm Đồng để mang về thêm 8 loại trà hoa vàng nữa. Đến khi đó, tại Hà Nội sẽ có hầu hết các loài trà hoa vàng còn hiện hữu tại Việt Nam…” – chị Tuyền chia sẻ. Đây cũng là công việc mà người phụ nữ tuổi ngoài 40 đã và đang theo đuổi suốt 10 năm qua.

Nhớ lại những năm 2009, chị Tuyền đã từ bỏ công việc ổn định với mức lương tốt nơi phố thị sầm uất để tìm hiểu, dành thời gian, tâm huyết và toàn bộ số tiền tích góp được sau nhiều năm cho việc bảo tồn cây trà hoa vàng nói riêng, dược liệu nói chung. Nghe nơi đâu có giống trà hoa vàng là chị tìm đến, bất kể phải trèo đèo, lội suối, ngủ rừng...
 Chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền bên một cây trà hoa vàng đang cho hoa.
Để gây dựng được vườn dược liệu như hiện nay, chị Tuyền đã phải rong ruổi khắp các vùng sinh thái, từ Bắc chí Nam để tìm kiếm các loại trà hoa vàng. Đem giống về thực nghiệm trên những ngọn đồi vùng núi huyện Sóc Sơn. Ngay cả việc lựa chọn địa điểm bảo tồn cũng không đơn giản. “Vùng đồi núi thuộc xã Bắc Sơn thuộc hệ sinh thái phía Tây Tam Đảo, có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp để phát triển trà hoa vàng” – chị Tuyền chia sẻ về lựa chọn, sau khi kinh qua nhiều vùng đất.

Theo chị Tuyền, trà hoa vàng không chỉ là nguồn dược liệu tốt cho sức khỏe, mà còn là nguồn gen quý giá. Có lẽ bởi vậy mà ròng rã 10 năm qua, người phụ nữ này bỏ qua mọi lời khuyên ngăn, bỏ phố lên rừng, dành tâm huyết bảo tồn, dù đến nay, số tiền bỏ ra hàng tỷ đồng, chị chưa thu lại được gì.

Doanh thu từ một số sản phẩm trà chế biến hiện mới cơ bản đáp ứng các khoản kinh phí phục vụ công tác bảo tồn. Điều khá đặc biệt là chị Tuyền cũng không xin hỗ trợ từ bất cứ tổ chức, cá nhân nào để thực hiện dự án bảo tồn, vì không muốn “bị phụ thuộc”, để từ đó có thể “toàn tâm toàn ý” hiện thực hóa ước mơ của mình.

Cùng nông dân làm giàu

Chị Tuyền từng chia sẻ rằng, muốn bảo tồn được trà hoa vàng cũng như các loại dược liệu quý hiếm thì phải song hành cùng phát triển ứng dụng, hướng tới việc tạo ra những sản phẩm an toàn chất lượng và tốt cho sức khỏe cộng đồng.

Nhằm hướng tới xây dựng vùng sản xuất với mục tiêu bảo tồn và phát triển cây dược liệu quý, trọng tâm là cây trà hoa vàng, chị Tuyền đã vận động một số cá nhân thành lập HTX Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn. Từ 5ha ban đầu, đến nay, HTX đã mở rộng quy mô lên gần 21ha. Ngoài trà hoa vàng, còn có hàng chục dược liệu quý khác như Kim ngân, Xạ đen, Sói rừng, Tam thất, Ngọc lan…

Chị Tuyền cho biết, HTX Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn chú trọng đến lợi ích cộng đồng, quốc gia rồi mới đến cá nhân. Mục tiêu mà chị cũng như các thành viên HTX hướng tới là xây dựng được một vùng nguyên liệu chất lượng cung cấp cho các công ty dược, hướng tới phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường.

Điều đáng nói, chị Tuyền không chỉ nỗ lực bảo tồn cây dược liệu và trà hoa vàng mà còn đang cùng người nông dân huyện Sóc Sơn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Hơn hai năm trước, ông Trịnh Hồng Phong ở thôn Phúc Xuân (xã Bắc Sơn) chỉ biết trông vào diện tích đồi gò trồng sắn cho thu nhập thấp. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, ông Phong đã cho HTX Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn thuê đất trồng cây dược liệu. Đồng thời, nhận chăm sóc vườn cây sau chuyển đổi. Nhờ đó, giá trị kinh tế mang lại trên diện tích canh tác cũ cao hơn gấp nhiều lần.

Gia đình ông Phong chỉ là một trong số hàng trăm hộ dân thuộc 3 xã: Bắc Sơn, Xuân Giang và Trung Giã, được hưởng lợi từ mô hình liên kết trồng cây dược liệu với HTX Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn. Không chỉ khai thác hiệu quả tư liệu sản xuất tại vùng đất đồi gò, cây dược liệu đang giúp nâng cao đáng kể thu nhập cho người nông dân nơi đây.

Với những nỗ lực không ngơi nghỉ suốt 10 năm qua, chị Tuyền đang biến vùng rừng núi đất cằn đá sỏi phía Tây Tam Đảo trở thành vườn dược liệu bạc tỷ trong tương lai gần. Hy vọng với tâm huyết của mình, người phụ nữ gốc Huế giàu khát vọng cống hiến sẽ sớm hiện thực hóa được ước mơ ấp ủ trong tâm thức bấy lâu nay: Xanh trên đất Sóc Sơn, vì sức khỏe người Việt.