Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bỏ quy định về chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp

Công Thọ - Giang Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng ngày 17/6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) với 90,68% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.

Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày nêu rõ: Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), ý kiến các cơ quan của Quốc hội và Báo cáo số 291/BC-CP ngày 12/6/2020 của Chính phủ về việc giải trình, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
 Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Về thông báo mẫu dấu của doanh ngiệp (Điều 43): Một số ý kiến đồng ý việc bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu với Cơ quan đăng ký kinh doanh; một số ý kiến khác đồng ý giữ quy định yêu cầu phải thông báo mẫu dấu cho Cơ quan đăng ký kinh doanh như quy định của Luật hiện hành.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở đa số ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu không quy định thủ tục thông báo mẫu dấu với Cơ quan đăng ký kinh doanh trong dự thảo Luật.
Về hộ kinh doanh (Chương VIIa): Một số ý kiến đồng ý với việc quy định một chương về hộ kinh doanh trong dự thảo Luật; một số ý kiến khác đồng ý xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở đa số ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu theo hướng bỏ quy định tại Chương VIIa về hộ kinh doanh; bỏ quy định về chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp (Điều 199a).
Đồng thời, để bảo đảm tính liên tục cho đến khi ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh, cần thiết giao Chính phủ hướng dẫn đăng ký và hoạt động đối với hộ kinh doanh (khoản 4 Điều 217 quy định về điều khoản thi hành).
Về doanh nghiệp nhà nước (Điều 88): Một số ý kiến cho rằng khái niệm doanh nghiệp nhà nước như tại dự thảo Luật (doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ) là chưa phù hợp. Khái niệm doanh nghiệp nhà nước đã thay đổi liên tục, không bảo đảm tính nhất quán, tác động đến cách thức quản lý của các doanh nghiệp, tạo ra sự khác biệt trong cách thức quản lý với các doanh nghiệp khác.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo: Quy định Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết như dự thảo Luật nhằm thể chế hóa chủ trương về tỷ lệ cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước theo Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 khóa XII về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN (Nghị quyết số 12).
Dự thảo Luật đã sửa đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc phân chia các loại doanh nghiệp có sở hữu nhà nước theo mức độ sở hữu khác nhau, mỗi loại hình doanh nghiệp có quy định về tổ chức quản trị phù hợp để nâng cao hiệu lực quản trị, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, bảo đảm bình đẳng với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác.
 Các đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo việc rà soát các luật có liên quan về DNNN để bảo đảm đồng bộ trong hệ thống pháp luật, có hiệu lực thi hành cùng Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này như dự thảo Luật đã được hoàn thiện, chỉnh lý trình Quốc hội thông qua.
Có ý kiến cho rằng, cổ phần chi phối là phải quyết định được những vấn đề trọng yếu của doanh nghiệp. Do đó, đề nghị doanh nghiệp nhà nước phải có cổ phần chi phối của Nhà nước đạt 65% thì mới là doanh nghiệp nhà nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo: Nội hàm “bảo đảm Nhà nước nắm giữ phần vốn góp hoặc cổ phần chi phối” tại khái niệm DNNN bám sát quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết số 12. Quy định này nhằm mục đích kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn việc sử dụng vốn Nhà nước trong các DNNN.
Việc nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ đã bảo đảm quyền chi phối trực tiếp việc ra các quyết định thông thường (chỉ yêu cầu tỷ lệ trên 50%) và chi phối gián tiếp (phủ quyết) việc ra một số các quyết định khác (yêu cầu tỷ lệ 65%) của doanh nghiệp đó. Đồng thời, tỷ lệ này cũng phù hợp với với các cam kết, thông lệ quốc tế. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ quy định này như dự thảo Luật.
Về quyền của cổ đông phổ thông (Điều 115): Có ý kiến cho rằng, không nên quy định giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông phổ thông. Việc giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông phổ thông sẽ dẫn đến có nhiều cổ đông nhỏ được can thiệp vào hoạt động quản trị, điều hành sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó có thể ảnh hưởng đến việc bảo mật thông tin của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ, đề nghị quy định trong dự thảo Luật về trách nhiệm công khai thông tin của cổ đông.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo: Việc quy định cổ đông có tỷ lệ sở hữu cổ phần phổ thông thấp hơn được thực hiện các quyền quy định tại dự thảo Luật là nhằm bảo vệ quyền của cổ đông thiểu số và nhóm cổ đông trong doanh nghiệp. Đây là nội dung quan trọng quy định về khung quản trị doanh nghiệp. Việc quy định theo hướng trên cũng sẽ góp phần quan trọng trong thu hút các nguồn lực đầu tư vào doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để phù hợp và thống nhất với khái niệm cổ đông lớn quy định trong Luật Chứng khoán, mức tỷ lệ sở hữu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông để thực hiện một số quyền của cổ đông phổ thông cần bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp lý của các cổ đông thiểu số, nhóm cổ đông trong doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tránh sự thay đổi quá lớn, có thể gây khó khăn trong quản trị, quản lý bí quyết công nghệ, kinh doanh của doanh nghiệp; phù hợp với thực trạng quản trị và bối cảnh của nước ta, tương thích với mức tỷ lệ phổ biến ở nhiều nước. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ quy định này như dự thảo Luật về tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông phổ thông là 5%.
Có ý kiến đề nghị không nên bỏ quy định về điều kiện thời gian cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu tỷ lệ cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng như quy định của Luật hiện hành để bảo đảm việc thực hiện các quyền của cổ đông không làm ảnh hưởng đến việc điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo: Việc bãi bỏ quy định về thời gian sở hữu “ít nhất 06 tháng liên tục” nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của các cổ đông. Thực tế, nhiều trường hợp các nhà đầu tư đã mua lượng cổ phần rất lớn trong doanh nghiệp nhưng do chưa đáp ứng được quy định về thời gian sở hữu ít nhất 06 tháng liên tục, do đó đã không thực hiện được quyền và lợi ích chính đáng của mình. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ quy định này như dự thảo Luật.
Về chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty không đại chúng (Điều 128): Có ý kiến đề nghị làm rõ đối tượng được mua và chuyển nhượng trái phiếu chỉ giới hạn cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hay cần mở rộng cho cả nhà đầu tư cá nhân hoặc tổ chức khác.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian vừa qua có sự phát triển nhanh và chuyển dịch dần kênh huy động vốn từ tín dụng ngân hàng sang phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tuy nhiên còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt khi các nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ có ít thông tin và khả năng phân tích, đánh giá rủi ro hoặc khi các doanh nghiệp lạm dụng, triển khai các hình thức huy động vốn trái phiếu thiếu minh bạch sẽ gây rủi ro cho các nhà đầu tư.
Để hạn chế rủi ro cho các nhà đầu tư mua trái phiếu và hạn chế doanh nghiệp lạm dụng phương thức này huy động vốn, pháp luật thường hạn chế đối tượng mua trái phiếu riêng lẻ là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và giới hạn việc chuyển nhượng trái phiếu riêng lẻ giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Quy định hạn chế này không ảnh hưởng đến quyền của các nhà đầu tư khác không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và lợi ích của doanh nghiệp vì doanh nghiệp hoàn toàn có thể phát hành trái phiếu ra công chúng để huy động vốn từ nhà đầu tư chứng khoán không chuyên nghiệp.
Nhà đầu tư chứng khoán không chuyên nghiệp có thể ủy thác đầu tư trái phiếu riêng lẻ thông qua nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Do vậy, dự thảo Luật quy định đối tượng được mua và chuyển nhượng trái phiếu chỉ giới hạn cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cần thiết, phù hợp với Luật Chứng khoán và thông lệ phổ biến.
Có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật bỏ một số điều kiện về chào bán trái phiếu riêng lẻ như: phương án phát hành trái phiếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chấp thuận; đáp ứng quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài; các đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi phải cách nhau ít nhất 06 tháng; thời hạn nắm giữ tối thiểu để được chuyển nhượng. Do đó, đề nghị làm rõ quy định tại điểm d khoản 3 Điều 128 về các điều kiện khác theo quy định của pháp luật có liên quan đã bao gồm các điều kiện nêu trên được quy định tại Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 04/12/2018 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo: Để linh hoạt trong triển khai, thực hiện, hiện nay điều kiện về chào bán trái phiếu riêng lẻ được quy định tại cấp Nghị định. Bên cạnh đó, quy định về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, thời gian tối thiểu giữa các đợt phát hành và thời gian hạn chế chuyển nhượng chỉ áp dụng đối với trái phiếu doanh nghiệp chuyển đổi riêng lẻ và trái phiếu doanh nghiệp kèm theo chứng quyền riêng lẻ, không phải điều kiện áp dụng chung cho các loại trái phiếu.
Do đó, quy định tại điểm d khoản 3 Điều 128 của dự thảo Luật có dẫn chiếu đến “các điều kiện khác theo quy định của pháp luật có liên quan” được hiểu là đã bao gồm các điều kiện này theo quy định tại Luật Chứng khoán. Căn cứ quy định tại dự thảo Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán, Chính phủ đã và đang dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 163/2018/NĐ-CP, trong đó có quy định cụ thể về điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, để bảo đảm kiểm soát chặt chẽ việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.