Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Bổ sung đủ vi chất để trẻ không bị thấp còi

Bác sĩ Ngô Thị Hà Phương - Viện Dinh dưỡng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Suy dinh dưỡng (SDD) thể thấp còi được coi là trở ngại lớn nhất của con người trong quá trình tăng trưởng và phát triển, ảnh hưởng tới 155 triệu trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, có 24,3% trẻ bị SDD thấp còi, như vậy cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị SDD thấp còi.

 Ảnh minh họa
SDD thấp còi là một trong những yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, suy giảm sức khỏe lúc còn nhỏ và khi trưởng thành, giảm khả năng học tập và năng suất lao động, tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, ung thư... sau này. Hầu hết các trường hợp SDD thấp còi xảy ra trước khi trẻ 3 tuổi là hậu quả của việc không nhận đủ thức ăn và chất lượng thức ăn không đảm bảo.
Để phòng chống SDD thấp còi cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng sớm, tốt nhất là trong giai đoạn 1.000 ngày vàng từ khi trong bào thai cho đến khi trẻ được 2 tuổi. Trẻ có khả năng đạt được chiều cao tối đa theo tiềm năng nếu được nuôi dưỡng trong môi trường lành mạnh, hưởng các dịch vụ về y tế, dinh dưỡng và chăm sóc đúng cách. Sự phát triển chiều cao của trẻ phụ thuộc vào gen di truyền và các yếu tố môi trường khác như dinh dưỡng, bệnh tật. Trong đó dinh dưỡng được coi là yếu tố bên ngoài quan trọng nhất. Dinh dưỡng bà mẹ trước và trong khi mang thai có ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Vì vậy, bà mẹ cần được bổ sung viên sắt/acid folic hoặc viên đa vi chất, bổ sung canxi cho bà mẹ có nguy cơ do chế độ ăn thiếu canxi (nếu bà mẹ không dùng sữa và chế phẩm sữa, ít ăn cá tôm cua, đậu đỗ...), bổ sung protein và năng lượng cân bằng, dùng muối iốt trong chế biến thức ăn. Trẻ sinh ra, cần bú sớm trong vòng một giờ đầu sau khi sinh, bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn. Trẻ dưới 2 tuổi cần được cân, đo định kỳ hàng tháng để kịp thời phát hiện sớm dấu hiệu chậm tăng trưởng của trẻ.

Ngoài ra, bổ sung vi chất cho trẻ em có nguy cơ, như bổ sung vitamin A cho trẻ em từ 6 – 59 tháng tuổi, bổ sung kẽm dự phòng cho trẻ từ 12 – 59 tháng tuổi. Trẻ từ 6 tháng trở lên, cho ăn bổ sung đúng cách. Đảm bảo bữa ăn của trẻ đa dạng các loại thực phẩm trong đó nhóm dầu, mỡ là bắt buộc, sử dụng các thức ăn giàu đạm động vật như thịt, trứng, tôm, cua, cá… Tăng đậm độ năng lượng, hóa lỏng bữa ăn bổ sung bằng cách thêm dầu, mỡ, bằng giá đỗ hoặc men tiêu hóa, tăng cường các loại quả tươi giàu vitamin. Cần ăn tăng các thực phẩm giàu canxi như cá, tôm, cua, nấu nhừ để ăn cả xương hoặc giã vỏ lọc lấy nước sẽ hấp thu được nhiều canxi.